Chiều nay, UB Thường vụ QH cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6, QH khoá 14. Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết kỳ họp này dự kiến diễn ra trong gần 21 ngày, khai mạc vào ngày 22/10 và bế mạc vào 19/11.
Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc |
Sẽ thông qua 11 dự án luật
QH dành hơn 10 ngày xem xét, thông qua 11 dự án luật; cho ý kiến 6 dự án luật.
Cụ thể, QH thông qua luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (Đặc khu); luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); luật Công an nhân dân (sửa đổi); luật Bảo vệ bí mật nhà nước…
Riêng đối với luật Đặc khu, ông Phúc cho biết, các đề án và nghị quyết thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt sẽ căn cứ tình hình chuẩn bị thực tế và kết luận của UB Thường vụ QH, dự kiến nội dung kỳ họp sẽ được điều chỉnh cho phù hợp.
Các vấn đề về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác sẽ được QH thảo luận trong 9,5 ngày. Đáng chú ý, QH sẽ dành 1 ngày lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn.
Tổng thư ký QH cũng cho hay, theo quy định, tại kỳ họp cuối năm, QH xem xét, thảo luận báo cáo công tác hằng năm của UB Thường vụ QH. Tuy nhiên, trong thực tế, báo cáo thường được gửi ĐBQH tự nghiên cứu để kết hợp thảo luận.
“Mặc dù kỳ họp thứ 6 có khối lượng công việc lớn, nhiều nội dung quan trọng (trong đó có việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn) nhưng vẫn nên dành thời gian thảo luận báo cáo công tác của cơ quan thường trực của QH tại thời điểm giữa nhiệm kỳ”, ông Phúc nói và đề nghị UB Thường vụ QH cho ý kiến chỉ đạo. Hiện dự kiến nội dung kỳ họp chưa bố trí thảo luận riêng báo cáo này.
Lấy phiếu tín nhiệm trước, chất vấn sau
Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị sắp xếp chương trình làm việc để QH lấy phiếu tín nhiệm trước khi các Bộ trưởng trả lời chất vấn. Việc này nhằm tránh gây bất lợi đối với các bộ trưởng trả lời chất vấn tại kỳ họp này. Đây cũng là kinh nghiệm mà các nhiệm kỳ trước đã thực hiện.
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân |
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý: "Việc lấy phiếu tín nhiệm phải chuẩn bị thật chu đáo ngay từ bây giờ. QH và Chính phủ phối hợp ngay từ bây giờ, không để trục trặc, thiếu hồ sơ khi lấy phiếu"
Theo Chủ tịch QH, tại kỳ họp này việc trả lời chất vấn không chỉ có 4 bộ trưởng mà tất cả các thành viên CP đều phải có mặt để giải trình việc thực hiện các lời hứa của mình trước đây như thế nào.
"Còn việc trả lời chất vấn nên thực hiện vào tuần gần cuối kỳ họp để tăng tính hấp dẫn, còn việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ được thực hiện giữa kỳ họp", Chủ tịch QH nói.
QH lấy phiếu tín nhiệm những chức danh nào? Theo điều 18 luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND năm 2015 về lấy phiếu tín nhiệm, QH lấy phiếu tín nhiệm các chức danh: Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch QH, Phó Chủ tịch QH, Uỷ viên Ủy ban thường vụ QH, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của QH; Thủ tướng, Phó Thủ tướng, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ; Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước. Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số ĐBQH đánh giá tín nhiệm thấp thì có thể xin từ chức. Nếu có từ 2/3 tổng số ĐBQH trở lên đánh giá tín nhiệm thấp thì UB thường vụ QH trình QH bỏ phiếu tín nhiệm. vietnamnet.vn |