Người Việt Odessa
Tin trong nước

Chủ quyền biển đảo: minh bạch sẽ tạo đồng thuận

Chủ nhật, 24/05/2020 | 05:32
Trò chuyện với Tuổi Trẻ, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi - nguyên phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam - cho rằng càng thông tin minh bạch sẽ tạo lòng tin, tinh thần đoàn kết của toàn dân để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Liên quan đến tình hình Biển Đông, vừa qua Chính phủ và bộ, ngành đã có thông tin đến người dân về biện pháp đã triển khai, qua đó củng cố sự đồng lòng giữa Chính phủ và toàn dân trong bảo vệ chủ quyền đất nước, một tinh thần đã diễn ra trong đại dịch COVID-19. Theo PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, bài học này cần được phát huy.

* Chính phủ vừa ra nghị quyết, trong đó yêu cầu các bộ có liên quan theo dõi sát tình hình trên đất liền, biên giới, hải đảo, nhất là Biển Đông. Ông nhìn nhận vấn đề này thế nào?

- Vừa rồi Chính phủ rồi dư luận nhân dân đã có rất nhiều động thái ứng xử với tình hình Biển Đông đang diễn ra khá phức tạp. Những tuyên bố cũng như những hành vi trên thực địa của Trung Quốc trong năm 2020 cho thấy cục diện Biển Đông chuyển sang thế "yên mà không ổn". 

Những năm gần đây Trung Quốc tạo ra bình diện Biển Đông nhìn vẻ ngoài "yên ả", để nói Trung Quốc không có lỗi gì. Nhưng thực chất Trung Quốc tìm mọi cách mở rộng khả năng độc quyền kiểm soát trên thực địa không gian đường chín đoạn - "đường lưỡi bò" mà Trung Quốc đã yêu sách phi lý. Kể cả trên hiện trường và về mặt pháp lý, năm 2020 Trung Quốc bắt đầu dấn thêm một bước mới, tính chất nghiêm trọng hơn nhiều, trong ý đồ độc chiếm Biển Đông. Nguy hiểm hơn nữa là Trung Quốc lợi dụng tình huống chúng ta phòng chống đại dịch COVID-19 để thực hiện mưu đồ này. 

Hơn ai hết, dân tộc ta yêu chuộng hòa bình, nhưng chúng ta cũng phải có những bước đi cần thiết để xử lý phù hợp với cục diện tình hình thay đổi. Lựa chọn của chúng ta luôn linh hoạt, phù hợp, thích ứng và hiệu quả, có cương có nhu, "dĩ bất biến, ứng vạn biến". Vì vậy, trước những động thái mới của Trung Quốc thì Chính phủ cũng có những hành động mạnh mẽ hơn để sẵn sàng ứng phó với những tình huống phức tạp xảy ra trên Biển Đông. Đây là phản ứng chính đáng, cần thiết.

Những đối sách vừa rồi của Chính phủ cũng như của các bộ, ngành liên quan là rất kịp thời. Đồng thời, Chính phủ còn đáp ứng mong mỏi của nhân dân khi thực hiện công khai hành động, thông tin minh bạch về tình hình Biển Đông tới người dân.

* Những thông tin minh bạch về tình hình Biển Đông dường như đã tạo ra nguồn cảm hứng, sự tin tưởng, đồng lòng rất lớn trong người dân?

- Thời gian qua, dù có lúc không thông tin nhưng trên thực địa, lực lượng quốc phòng, an ninh, trong đó có hải quân và các lực lượng thực thi pháp luật trên biển, không ngơi nghỉ để luôn làm chủ được tình huống.

Chủ quyền biển đảo: minh bạch sẽ tạo đồng thuận

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi

Tuyên truyền và công khai thông tin để dân hiểu rõ thực chất vấn đề cục diện mới trên Biển Đông, hiểu rõ bản chất của Trung Quốc muốn độc chiếm Biển Đông.

Ông Nguyễn Chu Hồi

* Giống như sự đoàn kết một lòng giữa Chính phủ và nhân dân trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, tạo nên thành công trong chống dịch?

- Trong cuộc chiến xả thân chống đại dịch COVID-19, chúng ta đã chứng kiến một tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, tin tưởng, sự đồng hành của toàn thể nhân dân cùng với Chính phủ. Chính điều này đã làm nên thắng lợi của chúng ta và tạo ra hiệu ứng lan tỏa, tăng uy tín và hình ảnh đất nước với cộng đồng thế giới.

Một trong những yếu tố đưa đến thành công bước đầu là mọi việc đều công khai, minh bạch. Kèm theo đó là cơ chế chính sách thích hợp, "Chống dịch như chống giặc", "Không có ai bị bỏ lại phía sau"...

Chúng ta có hai bài học quan trọng kết hợp để một nước nhỏ nhưng không yếu, đó là đại đoàn kết dân tộc tạo ra "sức mạnh dân tộc" to lớn và tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế tạo ra "sức mạnh thời đại". Cuộc chiến chống COVID-19 chúng ta đã vận dụng rất thành công bài học này. Đây cũng sẽ là bài học tốt cho việc xử lý hiệu quả vấn đề Biển Đông.

Phát huy bài học đó, dân tộc ta lại sẵn sàng "chống giặc như chống dịch".

* Với diễn biến mới, ngoài tạo sự đồng lòng bảo vệ chủ quyền ở trong nước, chúng ta cũng cần tranh thủ sự ủng hộ chính nghĩa từ bạn bè thế giới?

- Hiện chúng ta đang sử dụng hỗn hợp các biện pháp như đấu tranh chính trị, ngoại giao và trên thực địa... Tình hình mới, chúng ta phải đánh giá, nhìn nhận lại các giải pháp mình đã làm và phân tích thêm những bước đi và ý đồ của các bên liên quan trên Biển Đông, nhận diện các yếu tố đối tác, đối tượng. Bên cạnh tiếp tục củng cố đoàn kết nội khối, các nước ASEAN cùng nhau nhận thức đúng về cách ứng xử thiếu trách nhiệm của Trung Quốc ở Biển Đông và tại những vùng biển khác. Đừng mơ hồ chỉ có Việt Nam, Philippines, Indonesia, Malaysia có lợi ích trực tiếp ở Biển Đông mới bị tác động.

Vì thế, sự đồng thuận và vai trò trung tâm của các nước ASEAN trong vấn đề Biển Đông là một nhu cầu chiến lược. Việt Nam đang làm tốt vai trò chủ tịch ASEAN, đoàn kết ASEAN hướng về Biển Đông. Trước mắt nên tăng cường liên kết tiểu vùng ASEAN có lợi ích trực tiếp ở Biển Đông và hợp tác với các nước có "cùng cảnh ngộ", có quyền lợi trực tiếp ở Biển Đông, tập trung đấu tranh để Trung Quốc phải tuân thủ nghiêm túc phán quyết của Tòa trọng tài.

* TS LÊ NAM TRUNG HIẾU (Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế):

Thông tin tạo sự đồng thuận từ người dân

 

Chủ quyền biển đảo: minh bạch sẽ tạo đồng thuận

Một điều đáng ghi nhận là thời gian gần đây thông tin về Biển Đông được đưa rộng rãi ra dư luận, tạo được sự yên tâm và đồng thuận rất lớn từ người dân.Có thể thấy hiện nay, với sự nhất trí và hợp sức giữa nhân dân và Nhà nước, các hành vi xâm phạm chủ quyền Việt Nam dưới mọi hình thức đều sớm bị phát giác và nghiêm khắc xử trí.

Ví dụ mới đây, việc cơ quan chức năng xử phạt bà Lynette Moey Yu Lin về việc gửi tài liệu đính kèm bản đồ có hình "đường lưỡi bò" phi pháp là một minh chứng cụ thể nhất cho quyết tâm chặn đứng thông tin xấu độc về chủ quyền từ các cơ quan chức năng. Để phát hiện ra vụ việc này, tôi nghĩ cơ quan chức năng đã có được nguồn tin từ người dân cho thấy người dân có ý thức cao về chủ quyền quốc gia. Sự kiện này thậm chí được đưa tin ở Bloomberg và dẫn lại ở nhiều trang tin khác, gây tiếng vang ra cả thế giới.

* Nghiên cứu sinh TRƯƠNG TRUNG PHƯƠNG (nguyên bí thư Đoàn Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng):

Mỗi người dân là một tai mắt

Chủ quyền biển đảo: minh bạch sẽ tạo đồng thuận

Vấn đề Biển Đông hiện không còn là vấn đề của một quốc gia cụ thể nào nữa mà đã trở thành câu chuyện nóng bỏng toàn cầu. Bởi vậy, việc giữ chủ quyền ngoài ý chí của Chính phủ thì việc tạo sự đồng thuận cho người dân hiểu rõ tình hình trên biển, những diễn biến trên thực địa là hết sức cần thiết.

Thời gian qua, người dân hài lòng về những động thái từ Chính phủ, Quốc hội, Nhà nước về vấn đề Biển Đông. Đặc biệt là chúng ta thể hiện sự dứt khoát, bài trừ thẳng tay với các hành vi xuyên tạc chủ quyền bằng việc phát tán "đường lưỡi bò", tài liệu sai lệch về chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam. Các thông tin này thực sự luôn được xử lý với trách nhiệm cao nhất, áp dụng mức phạt cao nhất để không chỉ răn đe mà ngăn chặn ngay từ trong trứng nước các ý đồ xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc chủ quyền Việt Nam.

Tôi nghĩ rằng khi tạo được sự đồng thuận, trên dưới một lòng, Nhà nước có tai mắt của nhân dân và mỗi người dân luôn có ý thức chủ quyền thiêng liêng máu thịt từ trong tâm thức thì không một tấm bản đồ nào có thể lọt được qua biên giới, tuồn vào và phát tán trong nước được.

* TS NGÔ HỮU PHƯỚC (Trường ĐH Luật TP.HCM):

Cần có chương trình giảng dạy về Luật biển

 

Chủ quyền biển đảo: minh bạch sẽ tạo đồng thuận

Giai đoạn đầu từ khi Trung Quốc công bố "đường lưỡi bò" từ năm 2009, chúng ta chủ yếu tuyên truyền về luận điệu sai trái này. Những năm gần đây, các cơ quan chức năng đã xử lý rất tốt, mạnh tay với các đối tượng tuyên truyền, phát tán "đường lưỡi bò" bằng rất nhiều hình thức. Đồng thời kiểm soát chặt chẽ các ấn phẩm xuất bản, đặc biệt các sách, báo, tạp chí nguồn gốc không rõ ràng từ nước ngoài.

Tuy nhiên xử lý cũng mới chỉ là giải pháp phần ngọn, không thể có một bộ máy nào đủ để đi rà soát, kiểm tra, xử phạt. Giải quyết phần gốc vấn đề phải có tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các kiến thức về chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về biển, đảo. Nhất là phổ biến rộng rãi cho cán bộ, công chức, người dân kiến thức về Luật biển quốc tế và Việt Nam.

Đặc biệt, ngành giáo dục phải có đường lối, kế hoạch để tuyên truyền bằng cách đưa vào chương trình giảng dạy một cách bài bản những kiến thức cơ bản nhất nội dung của Luật biển quốc tế và Luật biển Việt Nam. Ở những bậc học cao hơn như ĐH, CĐ cần phải có môn học về hai luật biển này. Trong các cơ quan, đoàn thể phải có những lớp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật về biển, đảo để lồng ghép quan điểm của Đảng, Nhà nước trên tinh thần luật pháp.

Thực tế thời gian qua nhiều người dân chưa biết hết kiến thức cơ bản về các luật biển. Vì vậy, ngoài những người có động cơ chính trị rõ ràng cũng có người vì thiếu hiểu biết nên vô tình tuyên truyền, tiếp tay phát tán "đường lưỡi bò" và những quan điểm sai trái của Trung Quốc. Nếu như người dân có kiến thức họ cũng sẽ chủ động bài trừ, tố giác những người có hành vi tuyên truyền, phát tán "đường lưỡi bò".

tuoitre.vn


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN