Người Việt Odessa
Tin trong nước

Chộn rộn ngày 30 Tết

Thứ năm, 15/02/2018 | 05:40
Dù chuẩn bị đón Tết sung túc hay đạm bạc thì những cảm xúc thiêng liêng về một ngày cuối năm không thể phai mờ trong tâm trí mỗi chúng ta.

30 Tết có lẽ là ngày chộn rộn nhất trong năm. Sự háo hức về bữa cơm tất niên sum vầy và mong muốn chuẩn bị chu đáo cho những ngày Tết nguyên đán khiến hầu hết các gia đình Việt Nam đều bận rộn. Dù chuẩn bị đón Tết sung túc hay đạm bạc thì những cảm xúc thiêng liêng về một ngày cuối năm đoàn tụ cùng gia đình, trang trí nhà cửa, sắm sửa lễ vật cũng làm cho văn hóa Tết cổ truyền trở nên đặc biệt, không thể phai mờ trong tâm trí mỗi chúng ta.

Chộn rộn ngày 30 Tết
Chợ Tết ngày cuối năm.

 

Khi những tiếng gà gáy liên hồi cũng là lúc ông Lương Xuân Độ ở Lê Lợi, Kiến Xương, Thái Bình vớt những tấm bánh chưng vuông vức đã được nấu chín bằng bếp củi ngay trong sân nhà, để chuẩn bị bày lên bàn thờ tổ tiên trong ngày 30 Tết. Giữa cái se lạnh của đất trời sang xuân, hơi nước từ nồi bánh chưng bốc lên nghi ngút lan tỏa mùi thơm phức. Qua một đêm ngủ chập chờn vì phải trông nồi bánh chưng, ông Độ vẫn cần mẫn với công việc làm cho những chiếc bánh nóng hổi được ráo nước: “Bánh chưng thì năm nào cũng phải gói vì Tết cổ truyền mà, nấu tại nhà, sáng vớt ra rồi ép, dùng miếng ván và gạch đè lên để nước chảy ra cho nhanh ráo nước, vuông, phẳng đẹp, bánh có màu xanh. Từ trước đến nay các cụ đều làm thế”.

Bận rộn với công việc sắm Tết, chị Nguyễn Thị Hiền ở Đông Minh, Tiền Hải, Thái Bình phải ghi ra giấy những thứ cần mua để tiết kiệm thời gian. Cầm chiếc làn ra chợ, quần ống thấp, ống cao, tất tưởi nhưng gặp ai thân quen, mới đi xa về, chị cũng níu lại ít phút để hỏi thăm. Trong danh sách những nhu yếu phẩm ghi kín mặt sau của 1 tờ lịch, chị Hiền cho biết, không thể thiếu mấy bó rau mùi già: “Sáng nay tôi đi chợ mua đồ về sắm mâm ngũ quả và phải mua bằng được mấy bó rau mùi già để về nấu nước rửa mặt sáng mùng một Tết cho thơm tho cả năm. Phải chọn loại mùi già đã có hoa, quả thì nấu nước mới thơm”.  

Sáng 30 Tết, gần như tất cả thành viên trong các gia đình đều bận rộn. Nếu không đi chợ mua sắm thì cũng dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, mang đồ lễ tới nhà thờ dâng cúng tổ tiên. Sau đó sẽ làm mâm cơm tất niên, chuẩn bị cho giây phút sum họp gia đình, gói ghém lại bao buồn vui của một năm lo toan, vất vả.

“Trong ngày cuối năm tôi thu dọn bàn thờ, bày mâm ngũ quả và bảo các cháu ra mộ thắp hương mời các cụ về ăn Tết cùng gia đình, làm mâm cơm cúng các cụ, sau đó mời bạn bè đến ăn, quây quần đầm ấm bên gia đình”.

Tết là dịp mọi người, mọi nhà cùng nhau đoàn tụ, sum vầy. Dù hối hả, bận rộn trong ngày 30 Tết nhưng đó là thời điểm hết sức đầm ấm, gắn kết và chan chứa tình cảm gia đình, in dấu trong sâu thẳm tiềm thức của mỗi người dân Việt Nam, lắng đọng thành “miền nhớ” da diết mỗi khi đi xa. Để rồi khi Tết đến, Xuân về, “miền nhớ” đó lại giục giã mỗi người “dù đi xa đến đâu cũng vẫn cố bước chân mau quay về”./.

vov.vn


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN