Sau sự cố cây phượng trong sân trường THCS Bạch Đằng (quận 3, TP HCM) bất ngờ bị bật gốc, khiến nhiều học sinh thương vong, nhiều trường học lo ngại mất an toàn đã tiến hành chặt bỏ, hoặc tỉa đến trơ trụi nhiều cây phượng lớn. Lại có trường học tiến hành “cách ly” cây phượng, không cho học sinh lại gần để đảm bảo an toàn.
Cây phượng tại trường THCS Bạch Đằng đổ khiến học sinh thương vong. |
Nói về vấn đề này, PGS.TS Đặng Văn Hà, Viện trưởng Viện Kiến trúc cảnh quan và Cây xanh đô thị cho rằng, việc nhiều nơi lo ngại thái quá, chặt bỏ cây là cách làm không đúng. “Khi chặt cây, phải xem cây có vấn đề gì hay không, có thực sự phải chặt hay không, không phải cứ cây phượng to là chặt. Phượng là cây mộc nhân, gỗ cây phượng mềm hơn so với những cây khác, nguy cơ bị gãy cành cao hơn, nhưng nếu biết cách chăm sóc thì không có vấn đề gì. Việc cây gãy đổ gây nguy hiểm có nhiều yếu tố do con người”, PGS.TS Hà nói.
Chuyên gia này cho biết thêm: “Thực tế quan sát cho thấy, nhiều trường hợp phượng bị đổ đều do già cỗi, nhưng lại không được chống đỡ. Cây phượng có tuổi đời từ 30 năm trở lên đều có vấn đề về gốc rễ, nếu không chống đỡ có thể đổ bất cứ lúc nào. Không riêng cây phượng mà những loài cây khác cũng vậy. Cây trồng ở đường phố, trường học hay những nơi công cộng thường bị tác động lớn do thi công các công trình. Bê tông đổ sát gốc cây, khiến bộ rễ cây bị tổn thương, hỏng dần. Từ 3-4 năm, sau khi bị tác động, cây có thể chưa có biểu hiện, nhưng khoảng 5-6 năm sau, cây sẽ dần mục ruỗng”, PGS.TS Đặng Văn Hà cho biết.
Cũng theo PGS.TS Hà, một nguyên nhân khác dẫn đến cây dễ bị gãy đổ do xây bồn xung quanh gốc cây sẽ khiến cây thiếu không khí, thoát nước kém, tổn hại đến rễ cây. Cây có thể không chết ngay nhưng sẽ yếu dần.
Viện trưởng Viện Kiến trúc cảnh quan và Cây xanh đô thị cho rằng, nhiều cây bị mục ruỗng rễ, nhưng phía trên vẫn có lá, nếu không quan sát kỹ, cùng kiến thức về cây sẽ khó nhận ra cây đang có vấn đề. Với những cây có vấn đề về rễ, quá trình sinh trưởng của cây, hoa lá, dần thay đổi, cây có thể rụng lá, ra hoa sớm hơn hoặc muộn hơn, cây rụng lá nhiều lần trong năm.
Chuyên gia này cho biết, với mong muốn nhanh có bóng mát, nhiều nơi thường mua cây to về trồng, tuy nhiên, đây là cách làm sai, dẫn đến những hậu quả khó lường. “Cây to rễ, cành thường bị chặt, những vết chặt này rất dễ mục ruống sau 1 vài năm, cây phát triển không khỏe mạnh. Do đó nên chọn những cây còn non, đường kính từ 6-10cm, nếu chọn cây có đường kính từ 20-30cm là không đúng”, PGS.TS Hà nhấn mạnh.
Ông Hà cũng chỉ ra một thực tế rằng, hiện nay, nhân lực phụ trách về lâm nghiệp đô thị trong các cơ quan nhà nước có kiến thức chuyên sâu về ngành không nhiều, nhiều nơi thực hiện việc cắt tỉa cây không đúng kỹ thuật khiến cây nhanh bị mục ruỗng.
Để đảm bảo an toàn, PGS.TS Đặng Văn Hà cho biết, với những nơi có cây cổ thụ, nên tiến hành chống đỡ xung quanh gốc cây. Tỉa bớt những cành mọc quá dài, vì khi cành càng vươn dài, cây càng nặng và dễ gãy. Khi cắt cũng cần chọn vị trí cắt cho đúng để cây nhanh liền sẹo. Với nhiều cây cổ thụ cao từ 25-30m, đường kính lớn, cần tiến hành lọc những cành có nguy cơ dễ gãy đổ để cắt trước. Những lần sau tiếp tục cắt tỉa để giảm độ cao của cây, điều chỉnh tán lá cho cân đối. Độ cao an toàn của cây từ 12-20m.
“Trong các khu đô thị vẫn thường cắt tỉa cây không đúng kỹ thuật khiến cây càng ngày càng hỏng. Không phải cứ trước đợt mưa bão sẽ đổ xô đi cắt tỉa cây, việc cắt phải duy trì theo đợt, nếu cắt đối hiệu quả sẽ không cao”, PGS.TS Hà cho biết./.
Nguyễn Trang/VOV.VN