Người Việt Odessa
Tin trong nước

Cải tiến cách chất vấn “hỏi nhanh đáp gọn” để giảm áp lực trên ghế nóng

Thứ ba, 17/04/2018 | 06:39
Bàn về thể thức tiến hành phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội (tháng 6/2018), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chỉ đạo, không thực hiện phương thức Bộ trưởng trả lời ngay mỗi câu hỏi trong 3 phút nhưng giữ quy định mỗi đại biểu chỉ có 1 phút, hỏi 1 câu, sau 3 câu hỏi Bộ trưởng sẽ trả lời trong 9 phút.
Cải tiến cách chất vấn “hỏi nhanh đáp gọn” để giảm áp lực trên ghế nóng

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long trong một buổi trả lời chất vấn "hỏi nhanh đáp gọn" hồi tháng 3/2018.

Sáng 17/4, UB Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chuẩn bị chương trình kỳ họp thứ 5 của Quốc hội. Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, dự kiến Quốc hội khai mạc ngày 21/5 và bế mạc vào ngày 14/6, tổng thời gian làm việc là 19 ngày.

11 trong tổng số 19 ngày làm việc của kỳ họp này Quốc hội dành cho hoạt động xây dựng luật. Theo tình hình chuẩn bị, sẽ có 4 dự án luật ra khỏi dự kiến chương trình: Luật Hành chính công; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường và Luật Dân số để tiếp tục hoàn thiện.

7 dự án luật sẽ được Quốc hội xem xét thông qua gồm: Luật Tố cáo (sửa đổi); Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; Luật Cạnh tranh (sửa đổi); Luật An ninh mạng; Luật Quốc phòng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao; Luật Đo đạc và bản đồ; Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.

9 dự án luật được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 gồm: Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Quản lý phát triển đô thị; Luật Chăn nuôi; Luật Trồng trọt; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đặc xá; Luật Cảnh sát biển; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật: Xây dựng, Nhà ở, Quy hoạch đô thị, Kinh doanh bất động sản (nếu có).

Ngoài các vấn đề kinh tế - xã hội, Quốc hội giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016.

Một số ý kiến tại Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tăng thời gian thảo luận về kinh tế - xã hội, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, một số dự án luật khó, còn nhiều vấn đề có ý kiến khác nhau. Như dự án luật về ba đặc khu, Luật Phòng chống tham nhũng...

Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội vẫn sẽ dành 3 ngày để tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn.

Tổng thư ký Quốc hội đề nghị UB Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội cho áp dụng thí điểm một số cải tiến về cách thức tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp UB Thường vụ Quốc hội vừa qua trong kỳ họp thứ 5.

Phiên chất vấn tháng 3 vừa qua, UB Thường vụ Quốc hội đã tiến hành “chất vấn và trả lời chất vấn ngay” với hai vị Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ Khoa học và công nghệ.

Theo cách thức này, đại biểu Quốc hội nêu chất vấn ngắn gọn, rõ ý, không quá 1 phút/lần; người bị chất vấn trả lời ngay câu hỏi của đại biểu Quốc hội, thời gian không quá 3 phút/lần. Trường hợp đại biểu Quốc hội chưa thỏa mãn với câu trả lời thì có thể sử dụng bảng để đăng ký tranh luận, tuy nhiên thời gian hỏi và trả lời khi tranh luận ngắn hơn quy định nêu trên.

Nhất trí với cải tiến cách thức chất vấn, song Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng nếu thí điểm đại biểu hỏi Bộ trưởng trả lời ngay thì có thể cũng khó cho người trả lời, vì diễn đàn Quốc hội rộng lớn hơn Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Đồng tình quan điểm này, Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga cũng băn khoăn vì không có lãnh đạo Văn phòng Chính phủ dự họp để có thể hỏi xem sau phiên chất vấn theo cách thức mới thì các Bộ trưởng có ý kiến thế nào.

Bà Nga cho biết: “Qua trao đổi với khoảng 5 vị Bộ trưởng thì họ nói hỏi nhanh đáp gọn căng thẳng lắm vì diễn đàn Quốc hội khác với ở phiên họp Thường vụ Quốc hội”.

Tuy nhiên, Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc vẫn tha thiết đề nghị cho tiếp tục thí điểm chất vấn và trả lời chất vấn ngay tại kỳ họp này để có cơ sở sửa luật giám sát.

“Sau khi cách thức này được áp dụng tại phiên họp của UB Thường vụ Quốc hội thì nhiều cử tri gửi thư cho Chủ tịch Quốc hội và cho tôi đánh giá rất cao, khi nhiều đại biểu được hỏi hơn và Bộ trưởng trả lời cũng rất trôi chảy”, ông Phúc nói.

Kết thúc phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu bổ sung báo cáo gửi đại biểu kết quả xử lý 12 dự án yếu kém của ngành công thương.

Về cách thức tiến hành kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu bố trí thời gian thảo luận cho linh hoạt, không bỏ mà có thể giảm thời gian thảo luận tại tổ, tăng thời gian thảo luận ở hội trường.

Với chất vấn, Chủ tịch Quốc hội đánh giá việc cải tiến tại Thường vụ vừa qua rất tốt, cử tri đồng tình, đại biểu hài lòng. Nhưng ở quy mô Thường vụ thì được, còn ra Quốc hội thì áp lực rất lớn. Vì thế vẫn tiếp tục cải tiến câu hỏi 1 phút mỗi đại biểu chỉ đặt một câu hỏi, sau 3 câu hỏi thì Bộ trưởng trả lời trong 9 phút. Việc cải tiến này sẽ được báo cáo tại phiên họp trù bị trước khi kỳ họp thứ 5 chính thức khai mạc.

Tại phiên thảo luận, một số ý kiến đề nghị cần quan tâm đến công tác thông tin tuyên truyền, trong bối cảnh gần đây một số đề xuất tại một số dự án luật “UB Thường vụ Quốc hội chưa bàn thì đã om sòm trên mạng xã hội và cơ quan soạn thảo bị ném đá tới tấp”.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý là cần chủ động thông tin nhiều chiều cho báo chí về các dự án luật để tránh tình trạng trên.

P.Thảo - dantri.com.vn


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN