Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4 diễn ra chiều 5/5, Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang đã cung cấp thông tin liên quan đến vụ sai phạm trong việc mua sắm trang thiết bị y tế phòng, chống dịch COVID-19 tại CDC Hà Nội.
Vào ngày 22/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thuộc Sở Y tế Hà Nội, đồng thời cũng ra quyết định khởi tố 7 bị can, trong đó bắt tạm giam 6 bị can và một bị can cho tại ngoại.
Quá trình điều tra bước đầu xác định các đối tượng đã câu kết, nâng khống giá gói thầu mua hệ thống xét nghiệm COVID-19 gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước.
Trung tướng Lương Tam Quang cho biết: "Kết quả bước đầu xác định các đối tượng cùng với các công ty thì cấu kết gian lận thông đồng, nâng khống giá trị gói thầu mua sắm hệ thống xét nghiệm của COVID-19 lên gấp 3 lần. Hiện nay, các đối tượng đã khai nhận hành vi phạm tội và tự nguyện khắc phục hậu quả, nộp lại khoản tiền này".
Sau khi vụ việc sai phạm xảy ra tại CDC Hà Nội bị Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu C03 Bộ Công an phát hiện, một loạt các địa phương có thay đổi bất thường trong việc mua bán sử dụng hệ thống thiết bị xét nghiệm này.
Trụ sở Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hà Nội (CDC Hà Nội) - Ảnh: NLĐ
Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, qua nắm tình hình cũng có nhiều địa phương trong cả nước vừa qua cũng tổ chức mua thiết bị, hoá chất hoặc khẩu trang y tế để chống dịch COVID-19. Bộ Công an đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố khẩn trương rà soát, chấn chỉnh, thẩm định. Thanh tra các địa phương đã vào cuộc để thanh tra việc thực hiện các gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế mà phục vụ cho công tác phòng, chống dịch, nhất các gói thầu mua sắm hệ thống máy xét nghiệm sinh hoá, máy thở, khẩu trang y tế, hoá chất, vật tư tiêu hao.
"Khi Thanh tra các Bộ, Thanh tra Bộ Y tế hoặc Thanh tra các tỉnh thành rà soát mà có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì cơ quan công an sẽ tiếp nhận và xử lý theo đúng theo quy định" - Trung tướng Lương Tam Quang nhấn mạnh.
Sau vụ bắt Giám đốc CDC Hà Nội, một loạt Sở Y tế các tỉnh Quảng Ninh, Quảng Nam, Thái Bình đàm phán lại với đối tác để giảm giá mua máy xét nghiệm COVID-19.
Giảm giá sâu nhất là tỉnh Quảng Ninh khi từ 8,4 tỷ đồng trong hợp đồng ban đầu, cuối cùng, qua 2 lần giảm giá, hiện số tiền để mua hệ thống xét nghiệm Realtime PCR được Sở Y tế giảm xuống 5,2 tỷ đồng. Việc đàm phán giảm giá diễn ra sau khi Bộ Công an làm việc với Quảng Ninh về việc mua hệ thống xét nghiệm từ trước đó.
Chẳng kém phần hào phóng, nhà thầu bán máy cho Sở Y tế tỉnh Quảng Nam còn chủ động giảm hẳn 2,4 tỷ đồng, sau khi chốt kèo mua bán hơn 1 tháng trời đưa mức giá hiện xuống còn 4,8 tỷ đồng. Nhưng có vẻ sự hào phóng của nhà thầu là chưa đủ, vì Giám đốc Sở Y tế tỉnh mong muốn trả lại hẳn máy cho doanh nghiệp.
Tỉnh Thái Bình cũng có một quá trình đàm phán được cho là rất thành công, khi giá mua ban đầu gần 6,5 tỷ đồng, đã dùng được nửa tháng thì tỉnh này gửi văn bản đến nhà thầu, đề nghị xem xét giảm giá với lý do là ủng hộ tỉnh. Dù đã bán đứt, nhà thầu vẫn chấp nhận giảm giá 10%.
Không có tài năng trong việc đàm phán nhưng sau vụ việc sai phạm xảy ra tại CDC Hà Nội, dư luận lại được ngỡ ngàng trước sự tài tình đi mượn máy để dùng thử như Lào Cai, Hải Phòng… Khi đồng loạt Sở y tế các tỉnh này khẳng định máy xét nghiệm COVID-19 họ đang dùng là "đi mượn" - chứ chưa phải là đã mua.
vtv.vn