Ông Đinh La Thăng, Chủ tịch PVN từ 2005-2011
Ông Đinh La Thăng là Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (2005-2008), rồi tiếp tục là Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (2008-2011).
Sau khi rời ghế Chủ tịch PVN, ông Đinh La Thăng thăng tiến nhanh trên con đường quan lộ.
Tháng 8/2011, Quốc hội phê chuẩn ông làm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải.
Tháng 1/2016, ông Đinh La Thăng được bầu vào Bộ Chính trị. 1 tháng sau đó, ông được Bộ Chính trị phân công giữ chức Bí thư Thành ủy TP.HCM.
Tháng 5/2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã quyết định thi hành kỷ luật ông Đinh La Thăng bằng hình thức cảnh cáo và cho thôi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị khoá XII với tỉ lệ phiếu biểu quyết rất cao, trên 90%.
Ông Đinh La Thăng |
Ngày 10/5/2017, Bộ Chính trị phân công ông Đinh La Thăng thôi giữ chức Bí thư Thành ủy TP.HCM (nhiệm kỳ 2015-2020), giữ chức Phó Ban Kinh tế trung ương.
Ngày 8/12, ông Đinh La Thăng chính thức chấm dứt đươc quan lộ khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Đinh La Thăng.
Ông Đinh La Thăng bị khởi tố vì có những vi phạm nghiêm trọng trong việc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) góp vốn 800 tỷ đồng vào Ngân hàng Cổ phần Đại dương (Oceanbank) và mất trắng số tiền này. Ngoài ra, ông Thăng còn bị truy trách nhiệm trong vụ cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Tham ô tài sản (điều 278 bộ luật Hình sự) xảy ra tại Tổng công ty Xây lắp dầu khí (PVC) liên quan Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2.
Ông Phùng Đình Thực, cựu Tổng giám đốc, Chủ tịch PVN 2011-2014
Ngày 20/12/2017, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã tống đạt các Quyết định tố tụng đối với bị can Phùng Đình Thực, nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, về tội: “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 165 Bộ luật Hình sự.
Qua điều tra vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Tham ô tài sản”, xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tổng công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam, ngày 19/12/2017, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Phùng Đình Thực, sinh ngày 12/5/1954, trú tại: Nhà số 6, N06A, Khu đô thị mới Dịch Vọng, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội; nguyên Tổng Giám đốc PVN, về tội: “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 165 Bộ luật Hình sự, do những sai phạm của ông Thực trong quá trình chỉ đạo thực hiện dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.
Ông Phùng Đình Thực |
Ông Phùng Đình Thực tốt nghiệp Học viện Hoá dầu Bacu (thuộc Liên xô cũ) chuyên ngành khai thác dầu khí năm 1977.
Dưới thời ông Đinh La Thăng làm Chủ tịch PVN, ông Phùng Đình Thực nắm giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc (từ tháng 5/2006). Tháng 4/2009, trên cơ sở phê chuẩn của Thủ tướng Chính phủ, ông Đinh La Thăng đã ký quyết định để ông Thực giữ chức Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Tháng 9/2011, Thủ tướng đã ký quyết định bổ nhiệm ông Phùng Đình Thực, giữ vị trí Chủ tịch Tập đoàn PVN, thay cho ông Đinh La Thăng đã được Quốc hội cử làm Bộ trưởng Giao thông Vận tải.
Năm 2014, ông Phùng Đình Thực nghỉ hưu cho đến khi bị khởi tố vào ngày 20/12. Chiếc ghế nóng của ông Thực vào năm 2014 được để lại cho ông Nguyễn Xuân Sơn – một lãnh đạo PVN dưới thời ông Đinh La Thăng.
Ông Nguyễn Xuân Sơn, Cựu Chủ tịch PVN 2014-2015
Nhận ghế Chủ tịch từ ông Phùng Đình Thực, ông Nguyễn Xuân Sơn là Chủ tịch PVN đầu tiên bị khởi tố và bắt giam trong đại án OceanBank - Hà Văn Thắm. Ông Nguyễn Xuân Sơn bị buộc tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ gây hậu quả nghiêm trọng"; "Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng". PVN là cổ đông lớn của OceanBank (đã giữ 20% cổ phiếu).
Khi ngân hàng này có lỗ nặng, Ngân hàng Nhà nước phải mua lại OceanBank với giá 0 đồng. Do đó, PVN mất trắng số tiền 800 tỷ đã đầu tư vào đây. Việc PVN mất số vốn đầu tư 800 tỷ đồng tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương, ông Sơn bị cho là phải chịu trách nhiệm liên đới.
Ông Nguyễn Xuân Sơn những ngày hầu tòa |
Bởi dưới thời ông Đinh La Thăng, Nguyễn Xuân Sơn với chức vụ Phó Tổng giám đốc PVN là người đại diện phần vốn góp Nhà nước tại Oceanbank, được giữ chức Tổng giám đốc OceanBank.
Ngày 29/9/2017, Nguyễn Xuân Sơn bị tòa án sơ thẩm tuyên án Tử hình về tội tham ô tài sản.
Trước khi bị bắt, Nguyễn Xuân Sơn được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên PetroVietnam vào tháng 7/2014, thay cho ông Phùng Đình Thực nghỉ hưu.
Một năm sau, tháng 7/2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định để ông Sơn thôi chức Chủ tịch PVN. Ngay sau đó, ông Sơn bị khởi tố, bắt giam và có kết cục kể trên.
Ông Nguyễn Quốc Khánh và món nợ thời làm sếp PVN
Ông Nguyễn Quốc Khánh, cựu Chủ tịch PVN bị khởi tố và bắt giam cùng ngày với ông Đinh La Thăng (ngày 8/12) về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Dưới thời ông Đinh La Thăng làm chủ tịch, ông Khánh được nắm giữ chức Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (tháng 7/2009).
Ông Nguyễn Quốc Khánh |
Khi đảm nhiệm vị trí Phó tổng giám đốc PVN, ông Khánh phụ trách mảng sản xuất điện và gắn với hàng loạt các dự án điện do PVN đầu tư trong đó đáng chú ý là các dự án điện lớn gồm Nhiệt điện Vũng Áng I (1.200 MW), Nhiệt điện Thái Bình 2 (công suất 1.200 MW), nhiệt điện Sông Hậu 1 (1.200 MW) và Dự án nhiệt điện Long Phú 1 (1.200 MW) được xem là có ảnh hưởng lớn đối với an ninh năng lượng.
Đây là giai đoạn ông Khánh bị xem xét trách nhiệm trong việc quản lý các dự án.
Ông Khánh làm Tổng giám đốc PVN vào tháng 11/2014. Ngày 12/01/2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khi ấy đã ký Quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Quốc Khánh giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Thành viên PVN, thay cho ông Nguyễn Xuân Sơn vừa bị bắt.
Ngồi ghế Chủ tịch PVN được 1 năm, thì ngày 9/3/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 308/QĐ-TTg để ông Khánh thôi giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đối với ông Nguyễn Quốc Khánh để về nhận nhiệm vụ tại Bộ Công Thương.
Sau khi Thủ tướng cho thôi chức, ông Nguyễn Quốc Khánh đã về làm việc tại Văn phòng Ban chỉ đạo nhà nước các dự án về điện có trụ sở đặt tại Bộ Công Thương cho đến khi bị bắt vào ngày 8/12.
Như vậy, tính đến nay, cơ quan điều tra đã khởi tố 4 đời chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là ông Đinh La Thăng, Phùng Đình Thực, Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Quốc Khánh. Các sai phạm của những cựu lãnh đạo ngành dầu khí này đều khởi nguồn từ thời ông Đinh La Thăng.
Hà Duy - vietnamnet.vn