Bảo tàng Báo chí đầu tiên của Việt Nam khai trương là sự kiện nhân kỷ niệm 95 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6).
Bảo tàng nằm tại quận Cầu Giấy, Hà Nội. Hàng chục nghìn hiện vật, tài liệu, trong đó có những hiện vật quý hiếm phản ánh những sự kiện quan trọng của lịch sử báo chí Việt Nam gắn liền với lịch sử của đất nước.
Câu chuyện về báo chí Việt Nam được bắt đầu bằng khu trưng bày giai đoạn 1865-1925. Trên viên kim cương báo chí, những tờ báo của Việt Nam được tôn vinh, sánh vai với những tờ báo có ý nghĩa lịch sử quan trọng nhất thế giới.
Chiếc máy quay "ngựa trời" đánh dấu sự khai sinh của truyền hình Việt Nam
Như những thước phim quay ngược thời gian, các không gian trưng bày giai đoạn 1925-1945; 1945-1954;1954-1975 lần lượt được mở ra, tái hiện toàn cảnh hoạt động báo chí từ những năm đầu phong trào Cách mạng vô sản với dấu mốc lớn là sự ra đời của báo Thanh niên, những bài báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nguyễn Khánh Toàn..., cho đến khi đất nước hoàn toàn giải phóng. Hầm báo Nhân dân dưới làn bom đạn, phòng tối tráng ảnh của Thông tấn xã Việt Nam hay chiếc máy quay "ngựa trời" đánh dấu sự khai sinh của truyền hình Việt Nam đều là những ký ức, kỷ vật vô giá với người làm báo.
Giai đoạn 1975 đến nay là những bước chuyển mình mạnh mẽ của báo chí Việt Nam với sự thay đổi về phương thức, công nghệ. Đây là thời điểm báo chí phát huy tiếng nói trong xây dựng, phát triển đất nước, đấu tranh đẩy lùi tiêu cực, đưa hình ảnh Việt Nam hội nhập mạnh mẽ.
Trên 20.000 hiện vật, tài liệu được trình bày sáng tạo, sống động trên diện tích 1500 m2 bằng nhiều giải pháp như đồ họa trên đai vách; tư liệu gốc và phục chế, số hóa. Đây là món quà đặc biệt nhân dịp kỷ niệm 95 năm Báo chí cách mạng Việt Nam.