Chiều 18/7, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức trao bằng Tổ quốc ghi công cho thân nhân 498 gia đình liệt sĩ Hà Nội và khu vực lân cận. Trong đó, 94 liệt sĩ hy sinh từ thời chống Pháp, cách đây hơn 70 năm nay mới được công nhận.
Các trường hợp đặc biệt như liệt sĩ Đặng Văn Tiết ở Long An, bị địch bắt đày đi Côn Đảo, hy sinh 75 năm trước, không còn giấy tờ, qua xác minh thông tin tại nhà tù và tôn vinh của các bậc lão thành cách mạng, nhân dân nên cơ quan chức năng đã lập hồ sơ xác nhận liệt sĩ. Hải Phòng có 21 cán bộ Việt Minh bị giặc bắn chết từ năm 1948 và đã có 9 người được công nhận liệt sĩ, còn 12 người nay mới được công nhận.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao bằng Tổ quốc ghi công cho thân nhân liệt sĩ. Ảnh: molisa.gov.vn |
Dự buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gửi lời chia sẻ tới thân nhân liệt sĩ nhận bằng Tổ quốc ghi công sau nhiều khắc khoải, chờ mong. Bà cho biết, vì chiến tranh khốc liệt, nhiều trường hợp cơ quan quản lý không còn giữ được hồ sơ, bản thân người tham gia kháng chiến cũng không còn giấy tờ gốc nên khó hưởng chính sách.
"Để người có công chưa được công nhận do không có hồ sơ, giấy tờ gốc là điều trăn trở nhất của Đảng, Nhà nước", bà nói.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cả nước còn hơn 30.000 người kê khai nhưng chưa được xác nhận người có công, trong đó 5.900 trường hợp chưa xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh. Năm 2016, Bộ cùng 5 tỉnh Bắc Kạn, Lai Châu, Thái Bình, Đà Nẵng, Long An thí điểm giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng để rút kinh nghiệm triển khai toàn quốc.
Hoàng Phương - vnexpress.net