Sông Tô Lịch có chiều dài khoảng 14km, chảy qua địa phận 6 quận, huyện: Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Thanh Trì.
Do mức độ phát triển và đô thị hóa ngày càng nhanh, nước thải chưa qua xử lý được xả thẳng ra sông cùng với việc xả rác trực tiếp trong thời gian dài, các dòng sông này đều đang trong tình trạng ô nhiễm nặng nề.
Sau những dự án kè bê tông 2 bờ và nạo vét, sông Tô Lịch đã được cải thiện. Tuy nhiên, với lượng nước sinh hoạt hàng ngày đổ xuống, sông Tô Lịch luôn nằm trong danh sách những con sông cần được ưu tiên cải tạo, xử lý...
Từ một hình ảnh với sự thanh bình của người Hà Nội xưa, giờ đây sông Tô Lịch biến thành nỗi ám ảnh với những cư dân sinh sống ngay bên bờ sông.
Cùng với sông Tô Lịch, sông Sét, sông Lừ hợp thành hệ thống tiêu nước cho thành phố. Sông Lừ là một trong 5 dòng sông của Hà Nội quanh năm nước đen ô nhiễm.
Đoạn sông chảy qua địa phận phường Định Công luôn trong tình trạng nước đen ngòm, kèm với đó là rác thải trôi nổi bên bề mặt, bốc mùi quanh năm.
Những tấm biển "không vứt rác xuống sông" được cắm dọc 2 bờ kè trước tình trạng dòng sông bị ô nhiễm nghiêm trọng nhưng không mang lại hiệu quả đáng kể
Là một trong những công trình trọng điểm của Thủ đô trong năm 2016, tuyến đường nối dài từ cầu đường Lê Trọng Tấn - cầu vượt sông Lừ luôn trong tình trạng bị ảnh hưởng bởi rác thải sinh hoạt và rác thải xây dựng bên lề đường.
Nhuệ giang có chiều dài khoảng hơn 70km chảy qua địa phận Hà Nội - Hà Nam hiện đang phải cõng một lượng nước thải ô nhiễm do mật độ dân cư cao và số lượng lớn nước thải từ làng nghề. Trong ảnh là đoạn sông Nhuệ chảy qua địa phận xã Tả Thanh Oai (Thanh Trì, Hà Nội).
Tình trạng ô nhiễm của dòng sông này đã ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của người dân sinh sống xung quanh.
Nước thải sinh hoạt được đổ trực tiếp xuống dòng nước khiến đoạn sông này luôn trong tình trạng báo động.
Cùng tình trạng với các dòng sông trên, mặc dù được tạo kè bê tông 2 bên và nạo vét thường xuyên nhưng sông Kim Ngưu cũng đang bị ô nhiễm bởi lượng nước thải sinh hoạt hàng ngày đổ về
Dòng nước đen đặc quánh luôn bốc mùi nồng nặc khiến người dân không thể chịu đựng được.
Trước tình hình này, vừa qua Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU “Về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”. Trong đó tập trung xây dựng, triển khai các phương án tạo cảnh quan, xử lý môi trường nước, từng bước làm sống lại sông Tô Lịch, sông Tích, sông Nhuệ và sông Đáy.
24h.com.vn