Năm 1972, sau khi đi nghiên cứu về kiến trúc cảnh quan tại Cuba, KTS Nguyễn Xuân Thử về nước.
Đến đầu năm 1973, ông được Viện quy hoạch đô thị và nông thôn (Bộ Xây dựng) giao chủ trì cùng một nhóm kỹ sư đầu ngành và cán bộ chuyên ngành xây dựng ý tưởng thiết kế cây xanh ở quảng trường Ba Đình và Lăng Bác.
KTS Nguyễn Xuân Thử |
Ngay sau khi nhận nhiệm vụ, ông Thử cùng cả lên thăm nhà sàn Bác Hồ, thực địa xung quanh quảng trường Ba Đình, nghiên cứu tổng thể khu vực Lăng. Khi đã tìm hiểu kỹ, nhóm đưa ra ý tưởng chủ đạo, đó là khu vực quảng trường và Lăng phải hội tụ cây của các vùng miền.
Một tháng sau, bản vẽ của Viện quy hoạch được hoàn thành. Theo đó, loại cây được nghĩ đến đầu tiên đó là cây tre. Ông Thử lý giải, cây tre tượng trưng cho các vùng miền là rõ nhất vì từ miền ngược đến miền xuôi, từ rừng núi Bắc Bộ đến Nam Bộ đâu đâu cũng có tre.
Ngoài ra, cây tre còn gắn bó với con người VN từ thời dựng nước và giữ nước, thể hiện ý chí của các thế hệ người VN trước phong ba bão táp. Nhóm quyết định chọn tre là cây đầu tiên đưa về 2 bên Lăng Bác.
Ngoài ra, các cây như chò, sao đen... cũng được chọn để trồng trên đường Hùng Vương, Bắc Sơn...
Vườn tre xanh bên Lăng Bác. Ảnh: Phạm Hải |
Vào một buổi sáng, KTS Nguyễn Xuân Thử buộc bản vẽ ở gióng xe đạp, hồi hộp đi dự cuộc tọa đàm chọn phương án để cây khu vực quảng trường và Lăng Bác. Tham dự còn có bản vẽ của các KTS từ đoàn KTS Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam...
Phương án của ông được báo cáo đầu tiên. Khi ông trình bày xong, chủ tọa mời các đại biểu tiếp tục đưa ra các phương án để chọn, tuy nhiên không một ai hay cơ quan nào đưa ra bản vẽ nữa.
Một số ý kiến cho hay, phương án của Viện quy hoạch đã thể hiện rất đầy đủ như về cảnh xa, phông cho quảng trường như thế nào, khu vực cây xanh bên ngoài Lăng Bác... Nói về mặt ý tưởng thì phương án này rất toàn diện, đầy đủ. Chính vì vậy mà việc làm bây giờ là tập trung vào phương án này, góp ý thêm để xây dựng phương án hoàn thiện.
Ông Thử kể, trong tất cả các loại cây đưa ra để chọn thì 2 dãy tre là được bàn luận nhiều nhất. Một số KTS, họa sĩ cho rằng nên chọn 2 cây đa, hay cũng có ý kiến muốn có 2 cây đề ở 2 bên Lăng Bác. Việc quyết định cây nào ở vị trí này tạm thời chưa được thống nhất.
Cuộc gặp 15 phút với ông Trường Chinh
Sau đó, Ban phụ trách xây dựng Lăng bố trí cho KTS Thử vào xin ý kiến của ông Trường Chinh, khi đó là Chủ tịch QH. Trên đường đem mô hình vào báo cáo, ông Thử gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
"Bác Phạm Văn Đồng gọi hỏi chúng tôi mang gì đi đâu vậy. Tôi nói: Thưa bác, chúng cháu mang mô hình cây xanh ở quảng trường Lăng Bác vào xin ý kiến bác Trường Chinh.
Các nhân viên thiết kế, thi công chụp ảnh cùng ông Đỗ Mười - Trưởng Ban phụ trách xây dựng Lăng |
Xong ông bảo cho ông xem bản vẽ, tôi liền hạ ngay xuống sân và báo cáo ngắn gọn. Thế rồi bác Đồng gật đầu và bảo: "Cái này Bộ Chính trị giao cho anh Trường Chinh, các cháu vào xin ý kiến anh Trường Chinh", ông Thử kể lại.
Vào gặp ông Trường Chinh trong 15 phút, KTS Thử trình bày lướt những ý tưởng bản vẽ của nhóm cũng như báo cáo một số ý kiến còn khác nhau, nhất là chọn loại cây ở 2 bên Lăng. Ông khẳng định rằng 2 hàng tre là thích hợp nhất.
"Ông Trường Chinh đồng tình ngay, ông bảo cây tre tượng trưng cho dân tộc ta, nên các cháu chọn tre là chính xác, được, nên như thế. Chỉ có điều trồng thế nào cho hợp lý, tạo thành không gian cảnh quan như nào cho phù hợp, hài hòa với quảng trường", ông Thử nhớ lại.
Và cuối cùng, ông Trường Chinh đã quyết định trồng 2 hàng tre bên Lăng Bác.
KTS Nguyễn Xuân Thử được nhận bằng khen vì có thành tích tham gia xây dựng Lăng Bác |
Ngay sau khi báo cáo về, nhóm của ông tiếp tục củng cố phương án, đi vào thiết kế chi tiết. Ông được phân công làm tổ trưởng cùng 10 người khác được đưa lên biệt phái trên Lăng. Sau khi có sự thống nhất ý kiến từ 3 cơ quan cùng chỉ đạo gồm Ban phụ trách xây dựng Lăng - Viện quy hoạch của Bộ Xây dựng và Viện quy hoạch Hà Nội và xin chữ ký từ Chánh văn phòng, đề án được bắt đầu thi công.
Nhóm của ông cũng được Chính phủ đặc trách giao sử dụng một ô tô commăngca đi các tỉnh chọn cây. Đến khoảng tháng 7/1975, công trình cảnh quan khu vực quảng trường và Lăng Bác được hoàn thiện.
vietnamnet.vn