Người Việt Odessa
Tin trong nước

Thủ tướng đối thoại với 2.000 doanh nghiệp

Thứ tư, 17/05/2017 | 02:48
Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2017 đang diễn ra tại trung tâm Hội nghị quốc gia, Hà Nội. VietNamNet tường thuật trực tiếp sự kiện này.
MỚI NHẤTCŨ NHẤT
9h25

Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG kiến nghị đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để thúc đẩy kinh tế nói chung và khu vực kinh tế tư nhân phát triển; mong Chính phủ sớm có văn bản cụ thể hóa tinh thần của Nghị quyết Trung ương 5, để DN tư nhân cạnh tranh bình đẳng với với khu vực kinh tế khác.

Bà Nga cũng góp ý sớm có văn bản cụ thể hóa chủ trương không hình sự hóa các quan hệ kinh tế dân sự để bảo vệ quyền lợi chính đáng của DN, nâng cao tư duy dám nghĩ dám làm, mạnh dạn đầu tư mạo hiểm, có cơ hội khắc phục các rủi ro kinh doanh...

9h20

Ông Lê Văn Kiểm đại diện doanh nhân Cựu Chiến binh kiến nghị:

Giải pháp thu hút vốn từ nước ngoài để đầu tư hệ thống đường cao tốc; đầu tư PPP; có giải pháp bảo lãnh về tỷ giá, xử lý khi tỷ giá biến động;...

9h16

Tổng Giám đốc HSBC Phạm Hồng Hải nêu các kiến nghị về liên kết giữa DN FDI với DN trong nước, tập trung đầu tư phát triển những lĩnh vực có lợi thế; nâng cao năng suất lao động, đẩy mạnh cải cách giáo dục, đào tạo; giải pháp nâng cao năng lực, giá trị cạnh tranh của các DN Việt;... đề nghị Chính phủ tiếp tục kiên định con đường cải cách để Việt Nam sớm trở thành "con hổ" mới của châu Á.

9h05

Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Nguyễn Văn Thân tham luận về chủ đề "Các chi phí của doanh nghiệp".

Cho biết, dù đã có nhiều cải cách nhưng DN vẫn chịu nhiều gánh nặng cả về chi phí chính thức và không chính thức (chi phí không chính thức trong lĩnh vực đất đai, đấu thầu, tiếp cận vốn ngân hàng, chấp hành pháp luật thuế, môi trường, an toàn thực phẩm, PCCC... còn cao).

Điều này thể hiện ở sự thờ ơ của những người thừa hành công vụ không hướng dẫn hoặc hướng dẫn không đầy đủ cho DN, tìm cách bắt lỗi DN, quan liêu, chưa coi DN là đối tượng phục vụ.

Theo ông Thân, chính vì sự yếu kém trong khâu thực thi đã dẫn đến nếu DN muốn được việc thì phải “chung chi” theo kiểu “của công chia ba, của nhà chia đôi”, đây là vấn đề tương đối phổ biến.Từ phía doanh nghiệp, chạy theo xu thế kinh doanh bằng “quan hệ” thay thế cho năng lực yếu kém của mình nên đã chủ động “chi ngầm” để có được các thuận lợi trong kinh doanh; một số DN do bị sức ép “đòi hỏi” từ phía cán bộ, công chức nên phải “chi ngầm” để được việc.

Để khắc phục hiện tượng này phải có sự chung tay, thực tâm từ cả hai phía là cơ quan Nhà nước và DN. Chỉ như vậy mới tạo nên một môi trường kinh doanh bình đẳng, an toàn và bền vững.

Bên cạnh đó, các DN cần phải tạo thói quen ý thức tuân thủ pháp luật, đề cao văn hóa kinh doanh, với sứ mệnh phát triển sản xuất kinh doanh làm giàu chân chính là yêu nước, thực hiện nói không với tiêu cực, chủ động tăng cường năng lực quản trị, chung tay cùng với Chính phủ và các cơ quan của Chính phủ ngăn chặn, đẩy lùi tiêu cực trong kinh doanh...

Đồng thời, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần tiếp tục có giải pháp tăng cường khen thưởng, kỷ luật và trách nhiệm hướng dẫn của công chức khi tiếp xúc với DN, nêu cao tinh thần lấy DN làm trọng tâm phục vụ DN; trình Quốc hội thông qua luật DNNVV trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho Hiệp hội; xây dựng đề án hỗ trợ chuyển đổi hộ kinh doanh thành DN; chuyển giao một số dịch vụ công cho các hiệp hội; có giải pháp đột phá để huy động vốn nhàn rỗi trong dân với tinh thần "vay dân còn hơn vay chỗ khác";...

9h02

Hội nghị bắt đầu phần thảo luận dưới sự điều hành của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng.

8h45

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng báo cáo về vấn đề tiếp cận tín dụng của DN.

Tập trung vốn vào các lĩnh vực ưu tiên

Thống đốc NHNN nhấn mạnh sự kiên định trong điều hành của Chính phủ trong việc đảm bảo kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát đã tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp.

Thống đốc cho biết, hoạt động tín dụng đã đạt được những kết quả tích cực, tăng trưởng tín dụng năm 2016 đạt 18,25%. Năm 2017, tín dụng tăng trưởng tốt ngay từ đầu năm; đến cuối tháng 4/2017, tín dụng tăng 5,76% so với cuối năm 2016, cao hơn so với cùng kỳ các năm gần đây; trong đó tín dụng VND tăng 5,87% và tín dụng ngoại tệ tăng 4,64%.

Trong thời gian tới, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, trong đó đặc biệt là các dự án hiệu quả, các doanh nghiệp, dự án đầu tư có chiều sâu, ứng dụng khoa học công nghệ để sản xuất các sản phẩm thương hiệu Việt Nam cạnh tranh được trong khu vực và thị trường thế giới; các doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp sạch, các doanh nghiệp khởi nghiệp, DNNVV.

Đồng thời, NHNN sẽ tiếp tục nghiên cứu, đổi mới cách thức cấp tín dụng theo hướng có sự chọn lọc ưu tiên phân loại DN góp phần vào các chương trình tái cơ cấu sản xuất.

Nhu cầu vốn của DN còn rất lớn. Mặc dù ngành Ngân hàng đã rất tích cực huy động vốn để đảm bảo đáp ứng cho nền kinh tế, song một phần lớn nguồn lực vẫn còn chưa được khơi thông, đang nằm ở các khoản nợ xấu và các tài sản bảo đảm chưa được xử lý.

NHNN cũng đang trình Chính phủ, Quốc hội để sớm có Nghị quyết về xử lý nợ xấu, giải phóng các khoản nợ xấu này nhằm tái tạo nguồn vốn lớn để mở rộng cho vay phát triển sản xuất kinh doanh, đồng thời tạo điều kiện cho các DN có nợ xấu đã được xử lý tiếp cận các khoản vay mới phục vụ sản xuất kinh doanh.

8h24

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng trình bày báo cáo tổng hợp công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN.

6 nhóm giải pháp cơ bản

Nhấn mạnh những kết quả đã đạt được, báo cáo cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong công tác hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.

Cụ thể: Vẫn còn những quy định pháp luật, cơ chế chính sách chưa thực sự tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, làm phát sinh những thủ tục không cần thiết, không hợp lý, tiếp tục gây khó khăn cho việc thực hiện như: thủ tục thỏa thuận ký quỹ đảm bảo thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất; việc không hình sự hóa quan hệ kinh tế dặn còn chưa được cụ thể dẫn đến nhiều địa phương chưa triển khai; một số cán bộ, công chức còn nhũng nhiễu tiêu cực, chưa có cơ chế thực hiện hiệu quả để kiểm tra, giám sát; công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán còn chồng chéo, kéo dài gây khó khăn cho DN. 

Điển hình có DN ở Đồng Nai trong 1 tháng bị thanh kiểm tra 3 lần, có DN ở địa phương khác bị thanh tra 12 lần/năm; việc tiếp cận các nguồn lực của DN, nhất là DNNVV còn hạn chế, trong đó thủ tục cho vay phức tạp, khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng; thủ tục hành chính về đất đai còn rườm rà; việc tiếp nhận, xử lý kiến nghị của DN ở một số bộ ngành, địa phương còn chậm, chưa thực sự cầu thị, chưa đáp ứng yêu cầu kiến tạo phát triển theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng; vai trò của Hiệp hội DN còn hạn chế...

Chỉ ra những nguyên nhân, trong đó nhấn mạnh các nguyên nhân chủ quan, báo cáo nêu rõ 6 nhóm định hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới để hỗ trợ và phát triển DN: Tiếp tục hoàn thiện pháp luật, cơ chế chính sách; tăng cường thực thi thế chế, pháp luật; đẩy mạnh cải cách hành chính; nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận xử lý và trả lời kiến nghị của DN và người dân; Đẩy nhanh xây dựng Chính phủ điện tử; Đẩy mạnh hoạt động của Tổ công tác theo dõi kiểm tra đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông.

8h06

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc trình bày báo cáo kết quả sau 1 năm thực hiện Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.

Chủ tịch VCCI: Thủ tướng đã làm được những việc ấm lòng DN

Nhấn mạnh những kết quả cụ thể, toàn diện đã đạt được sau 1 năm thực hiện Nghị quyết 35, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh: Lãnh đạo Chính phủ, nhiều bộ ngành địa phương đã vào cuộc quyết liệt với tinh thần trong Chính phủ “không có chỗ để bàn lùi”,... “Thủ tướng đã làm được những việc ấm lòng thực sự tiếp sức cho doanh nghiệp”.

Tuy nhiên, những kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu, thực tế vẫn còn không ít khó khăn do tích tụ từ thời gian trước để lại. Việt Nam đang là một nền kinh tế có chi phí kinh doanh lớn nhất trong khu vực cả về chính thức và không chính thức.

Bên cạnh đó, sự thay đổi chính sách đột ngột, sự hồi tố trong kinh doanh; nhiều địa phương vẫn lạm dụng thanh tra, kiểm tra với nội dung trùng lặp; nhiều điều kiện sản xuất kinh doanh không phù hợp ‘’đến Boeing cũng không thể làm được; tình trạng “trên bảo dưới không nghe”, “trên nóng dưới lạnh” còn phổ biến”; nhiều bộ ngành địa phương chỉ giải thích, không giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp... vẫn là những thách thức, rào cản cần giải quyết, gỡ bỏ trong thời gian tới.

Cũng trong bài phát biểu của mình, ông Lộc chúc mừng Chính phủ đã khởi động thành công "làn sóng cải cách lần thứ 2", nhắc lại món quà của Thủ tướng đối với doanh nghiệp ngay trước thềm Hội nghị, đại diện doanh nghiệp Việt Nam cảm ơn Thủ tướng đã có văn bản chỉ đạo chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra để tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh.

 

7h45

Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo sơ kết tình hình 1 năm thực hiện Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.

7h35

Hoài bão của tiền nhân là cảm hứng cho doanh nhân khởi nghiệp

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn lời của nhà tư sản dân tộc Bạch Thái Bưởi “tôi muốn làm cho Hà Nội đẹp như Paris”; chí sĩ Lương Văn Can “việc buôn bán thịnh suy có quan hệ đến quốc dân thịnh suy”... và cho rằng những bài học, hoài bão của tiền nhân sẽ là cảm hứng cho đội ngũ doanh nhân hiện nay khởi nghiệp và phát triển.

Thủ tướng đối thoại với 2.000 doanh nghiệp
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Quang Phúc

Thủ tướng nhấn mạnh, tuy đã làm được nhiều việc nhưng chúng ta còn rất nhiều việc phải làm phía trước, bởi còn rất nhiều rào cản cho sự phát triển của doanh nghiệp.

Thủ tướng mong muốn các đại biểu góp ý thẳng thắn, chân thành và xây dựng, qua đó đề xuất nhiều giải pháp thiết thực về cải cách thủ tục hành chính, xây dựng một Chính phủ hành động luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững.

Thủ tướng đối thoại với 2.000 doanh nghiệp
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ. Ảnh: Quang Phúc

Thủ tướng đề nghị đại diện các cơ quan nhà nước phát biểu ngắn gọn, dành thời gian cho các đại biểu DN trình bày ý kiến.

Thủ tướng lưu ý hội nghị sẽ làm việc từ 7h30 đến 13h00 với tinh thần Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp.

7h30

Hội nghị bắt đầu.

Đây là lần thứ 2 Thủ tướng đối thoại với doanh nghiệp. Hội nghị lần thứ nhất diễn ra cách đây đúng 1 năm tại TP.HCM.

Tham dự trực tiếp hội nghị có khoảng 2.000 đại biểu. Trong đó khối DN dân doanh khoảng 1.500 đại biểu, cùng các đại biểu từ khối DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), DNNN và DN đã cổ phần hóa, một số sứ quán và các định chế tài chính lớn, các cơ quan nhà nước...

Thủ tướng đối thoại với 2.000 doanh nghiệp

Thủ tướng trò chuyện với các đại biểu trước giờ khai mạc hội nghị. Ảnh: Quang Phúc

Hội nghị được tổ chức theo 2 hình thức là họp trực tiếp tại Hà Nội với khoảng 2.000 đại biểu tham dự và họp trực tuyến 63 tỉnh, thành phố. Lãnh đạo địa phương và DN tham gia họp tại các điểm cầu tại địa phương với số lượng 50 - 100 người.

Chủ đề của hội nghị lần này là “Đồng hành cùng doanh nghiệp” thể hiện quyết tâm của Chính phủ là Chính phủ kiến tạo, Chính phủ hành động… trong việc hỗ trợ DN phát triển, thực sự là động lực phát triển của đất nước.

Hội nghị sẽ sơ kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển DN (những mặt được, mặt chưa được và nguyên nhân), đề xuất những giải pháp để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết.

Dự kiến, Bộ trưởng KH-ĐT sẽ báo cáo sơ kết tình hình thực hiện Nghị quyết 35, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) báo cáo tổng hợp đánh giá của cộng đồng DN về việc thực hiện Nghị quyết 35. Các hiệp hội DN, DN hiến kế, kiến nghị.

Các bộ, ngành, địa phương trao đổi, thảo luận với doanh nghiệp để giải quyết các vướng mắc, kiến nghị. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ kết luận hội nghị.

Ngay sau hội nghị, cùng ngày, Thủ tướng và các Phó Thủ tướng sẽ họp với các bộ, ngành, cơ quan để xem xét, xử lý kiến nghị của doanh nghiệp.

Cuối ngày, Văn phòng Chính phủ, Bộ KH-ĐT và VCCI đồng chủ trì họp báo về hội nghị.

VietNamNet tường thuật chi tiết về sự kiện này.

Nhóm phóng viên Thời sự - vietnamnet.vn


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN