Thủ tục nặng nề giảm hiệu quả kinh doanh
Trong hàng trăm ý kiến của các DN gửi Thủ tướng Chính phủ chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ cộng đồng DN vào ngày 17/5 tới, chiếm tỷ lệ lớn là phản ánh của DN về gánh nặng TTHC trong kinh doanh.
Các DN thuộc Hội DN tỉnh Thanh Hóa phản ánh, khi đến giải quyết các thủ tục liên quan đến hoạt động kinh doanh, vẫn còn tình trạng kéo dài thời gian, gây khó khăn cho DN và ảnh hưởng đến dự án đầu tư.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với DN tại cuộc gặp năm 2016. |
Ngân hàng TMCP Đại Dương cho rằng, hệ thống hành chính còn phức tạp, làm mất nhiều thời gian của DN. Ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách TTHC chính chưa được đẩy mạnh. Công tác cải cách hành chính tại các địa phương không đồng đều. Điều này gây khó khăn cho các DN có nhiều chi nhánh, khi thực hiện các chương trình lớn triển khai trên nhiều tỉnh thành.
Hiệp hội DN Quận Hải An - Hải Phòng, cho rằng thủ tục giấy tờ trong một số lĩnh vực giải quyết chậm chạp. Chẳng như như cấp Giấy chứng nhận kinh doanh có điều kiện; chuyển đổi, chuyển nhượng quyền sử dụng đất; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, khoáng sản, tài nguyên, môi trường... bị kéo dài, các DN phải tốn nhiều thời gian chờ đợi, mất cơ hội kinh doanh.
Bên cạnh đó, không ít DN bức xúc với thủ tục hành chính về thuế và hải quan. Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy cho rằng, mức độ cải thiện các TTHC về thuế, hải quan vẫn chưa tốt, thái độ, ý thức trách nhiệm và năng lực của các cán bộ công chức, viên chức Nhà nước trong việc thực hiện các quy định pháp lý, chính sách và TTHC vẫn chưa cao và chậm chuyển biến.
Nhóm công tác Thuế thuộc Diễn đàn DN Việt Nam (VBF) cho biết, sự thiếu trách nhiệm của không ít cán bộ cơ quan hải quan và thuế gây thiệt hại tài chính không lường trước được cho các DN.
Có một thực tế là những phản ánh của DN về TTHC khá giống nhau và tập trung chủ yếu và sự phức tạp và rườm rà của hệ thống quy định, giấy tờ; ý thức và trách nhiệm của người thực thi trực tiếp, cùng với đó là những tiêu cực có thể xảy ra.
Điều này cũng được phản ánh trong khảo sát về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Cụ thể, PCI 2016 cho thấy, liên tục trong 3 năm (2014-2016), cứ 3 DN tư nhân tham gia điều tra, thì có 1 phải dành trên 10% quỹ thời gian của mình để thực hiện các thủ tục hành chính. Trước đây tỷ lệ này chỉ bằng khoảng 1/5. Nhiều giấy tờ thủ tục hơn, phải đi lại nhiều hơn, hiệu quả làm việc của công chức thấp, các TTHC trên suốt chặng đường hoạt động của DN, dường như chưa bao giờ thôi là gánh nặng đối với họ.
Với DN FDI, có 72% cho biết, năm 2016 họ mất hơn 5% quỹ thời gian để thực hiện các TTHC. Thủ tục phiền hà nhất mà các DN FDI cho biết, đó là thuế (liên quan đến hóa đơn thuế GTGT), bảo hiểm xã hội và thủ tục thông quan hàng hóa.
Nên thúc đẩy hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý hành chính Nhà nước, tạo điều kiện tối đa cho DN hoạt động. |
Trong khi đó, tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết TTHC vẫn còn dẫn đến tốn kém chi phí không chính thức cho DN. Có tới 66% số DN tham gia điều tra cho biết, thường xuyên phải chi trả các khoản không chính thức, cao hơn từ 12%-15% so với giai đoạn 2008-2013. Trong đó, có từ 9%-11% số DN cho biết, các khoản chi như vậy, chiếm hơn 10% tổng doanh thu của họ, cao hơn hẳn mức 6%-8% của giai đoạn 2008-2013.
Chính phủ lắng nghe và đột phá cải cách
Gửi ý kiến phản ánh của mình tới cuộc gặp với Thủ tướng, các DN và Hiệp hội DN mong muốn với vai trò là người đứng đầu Chính phủ kiến tạo, Thủ tướng sẽ lắng nghe phản ánh và chỉ đạo các cơ quan chức năng, các địa phương, nhanh chóng cải thiện TTHC giúp hoạt động kinh doanh thông thoáng hơn.
Đại diện Công ty Bảo Minh - Hải Phòng kiến nghị, Chính phủ cần đẩy mạnh cải cách TTHC hơn nữa, nhằm giảm tối đa thời gian, chi phí cho nhà đầu tư, DN. Cập nhật kịp thời, công bố công khai các thủ tục hành chính. Rút ngắn thời gian giải quyết TTHC so với quy định. Cùng với đó, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, rà soát, đánh giá lại chất lượng đội ngũ công chức thực hiện dịch vụ hành chính công. Tổ chức triển khai thiết lập đa dạng kênh thông tin, để tiếp cận các phản ánh, kiến nghị của nhà đầu tư, DN về quy định hành chính.
Ngân hàng TMCP Đại Dương mong muốn, Chính phủ cần thực hiện mạnh mẽ hơn các giải pháp cải cách TTHC, tránh tình trạng làm mất thời gian của DN. Ngoài ra, nên thúc đẩy hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý hành chính Nhà nước, tạo điều kiện tối đa cho DN hoạt động.
"Chúng tôi tin tưởng rằng Chính phủ luôn lắng nghe phản ánh từ DN, thời gian tới việc đơn giản hóa và minh bạch về thủ tục hành chính sẽ được nâng cao, tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh và hiệu quả", ông Đặng Thế Lưỡng, Hiệp hội DN quận Hải An - Hải Phòng nhận định.
Trong khi đó, ông Phạm Sỹ Liêm (Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam) cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục làm rõ mối quan hệ giữa Nhà nước với thị trường, Nhà nước không nên can thiệp quá sâu vào thị trường. Ngoài ra, ông Liêm đề xuất nên rà soát lại chế độ phân cấp trong quản lý nhà nước về đầu tư, kinh doanh.
“Một số địa phương đã không thực hiện tốt nhiệm vụ được phân cấp. Trong thời đại công nghệ thông tin, Chính phủ có điều kiện trực tiếp quản lý nhiều việc mà không cần phân cấp, không sợ quan liêu trì trệ”, ông Liêm nhấn mạnh.
Ông Mạc Quốc Anh (Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Hà Nội) kỳ vọng Hội nghị Thủ tướng sẽ là bước nền để đưa cơ quan Nhà nước gần lại với DN hơn. "Quan hệ giữa hai bên có chặt chẽ thì Nhà nước mới có thể tháo gỡ khó khăn được cho DN”, ông Quốc Anh nói.
Ông Nguyễn Trọng Điều - Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam cho rằng, cần nhanh chóng cụ thể hóa những cơ chế, chính sách về đất đai, tài chính, tín dụng, lao động - tiền lương, hỗ trợ về đào tạo, khoa học, công nghệ thông tin, xúc tiến thương mại… giúp DN. "Đặc biệt, quản lý Nhà nước phải theo kịp sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0). Nhà nước không vì chưa quản lý được mà hạn chế, gây khó hoặc cấm các hoạt động liên quan đến ứng dụng tri thức và công nghệ cao", ông Điều nhấn mạnh.
Nhấn mạnh về công tác thực thi, ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, Chính phủ và Thủ tướng đã ban hành nhiều chính sách tháo gỡ và tạo điều kiện cho DN, nhưng khâu thực thi vẫn là khâu yếu nhất.
Ông Thân đề xuất Chính phủ, Thủ tướng cần tiếp tục có giải pháp tăng cường kỷ luật và trách nhiệm hướng dẫn của công chức khi tiếp xúc với DN, nêu cao tinh thần lấy DN làm trọng tâm phục vụ.
Trong khi đó, ông Trương Đình Tuyển (nguyên Bộ trưởng Thương mại, thành viên Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh) nhấn mạnh vấn đề hoàn thiện thể chế có ý nghĩa quan trọng, cấp bách, tốc độ và trình độ phát triển của một lĩnh vực, một quốc gia chủ yếu là do thể chế quyết định.
Theo đó, ông Tuyển đề xuất nhóm 5 giải pháp tới Hội nghị Thủ tướng và DN 2017:
Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống các quy định của pháp luật, gỡ bỏ những gì là rào cản, vướng mắc với DN.
Thứ hai, cần đẩy mạnh chống tham nhũng. Bởi chi phí không chính thức đang là một gánh nặng với các doanh nghiệp.
Thứ ba, cần giảm lãi suất vay vốn. Trong khi ở nhiều nước, lãi suất chỉ ở mức 2-3% thì ở Việt Nam, lãi suất phổ biến hiện nay vẫn ở mức 9-10%, nên doanh nghiệp Việt Nam rất khó cạnh tranh.
Thứ tư, có thể tham khảo mô hình cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ của Hoa Kỳ (U.S. Small Business Administration - SBA), với các hoạt động hỗ trợ thiết thực, cụ thể cho DN nhỏ. Thứ năm là tăng cường đào tạo, có thể thông qua các lớp học ngắn hạn để nâng cao trình độ cho các doanh nhân.
Trần Thủy - vietnamnet.vn