Thiết kế còn nhiều hạn chế
Thái Bình đang hoàn tất các thủ tục để tiến hành khởi công xây dựng một toà tháp 25 tầng với mức đầu tư gần 300 tỷ từ nguồn xã hội hóa.
Chia sẻ thêm với Đất Việt, KTS Trình Hiểu Đinh (cựu du học sinh Việt Nam tại Nga) nhận định, về mặt tổng thể thiết kế chưa thể hiện được quy mô tương xứng với mức đầu tư, chưa có các phương án tiếp cận cho phương tiện, bãi đỗ xe khi đây là một công trình tham quan trọng điểm của một tỉnh đông dân như Thái Bình.
“Phương án phối cảnh kiến trúc là một sự kết hợp có phần thô kệch giữa kiến trúc đương đại Việt Nam và kiến trúc chùa tháp, đã không còn phù hợp trong giai đoạn phát triển như hiện nay.
Phương án giao thông theo chiều dọc (thang máy, thang bộ, thang thoát hiểm) khó có thể đảm bảo cho nhu cầu của lượng lớn khách tham quan chưa kể trong trường hợp có sự cố”, KTS Đinh phân tích.
Bản thiết kế tháp Thái Bình |
Cùng nêu ý kiến, KTS Nguyễn Trung Hiếu (văn phòng KTS Nguyễn Hiếu) nhìn nhận, công trình tháp 300 tỷ của Thái Bình nên đặt tên là công trình thương mại thì hợp lý hơn.
“Không hiểu chủ đầu tư có dụng ý gì khi đặt là tháp biểu tượng. Vì một công trình để trở thành biểu tượng sẽ dựa vào công năng và hình thức kiến trúc mang tính đột phá, sáng tạo chứ không nằm ở cái tên”, KTS Hiếu nói.
Về kiến trúc, vị KTS khẳng định, công trình chỉ thể hiện được tên “tháp” chứ không theo một ngôn ngữ kiến trúc cụ thể nào.
“Có nhiều ý kiến cho rằng phần đế hiện đại nhưng tôi thấy nó na ná kiến trúc của tượng đài hay cổng chào. Phần thân lại theo kiến trúc tháp cổ thường xuất hiện nhiều trong kiến trúc tôn giáo. Phần đỉnh tháp lại theo hình tròn khiến tổng thể công trình bị phá vỡ về mặt hình khối”, KTS Hiếu chỉ rõ.
Ths.KTS Phan Mạnh Hà (Hà Nội) cũng cho rằng, Thái Bình có rất nhiều đình, chùa nổi tiếng với kiến trúc đẹp và lâu đời như chùa Keo, chùa Cổ Tuyết, chùa Cẩn, đình Đá hay đền Đồng Bằng... Hay đặc trưng là hình tượng Cây lúa.
“Thiết kế tháp Thái Bình chưa rõ ràng và thống nhất giữa các khối. Đây là thiết kế rời rạc, thiếu tính nghiên cứu về hình thức kiến trúc, tỷ lệ không cân đối , hài hòa”, KTS Hà nói thêm.
Phương Tây công trình biểu tượng khác Việt Nam
Từng có thời gian dài sống và học tập ở nước ngoài, KTS Trình Hiểu Đinh nhận định, các công trình biểu tượng ở Nga nói riêng và các nước trên thế giới nói chung có 3 dạng hình thái và được phân định một cách rõ ràng: công trình mang nghĩa tâm linh hay mang ý nghĩa thương mại.
Cụ thể, các công trình lịch sử được lưu giữ qua thời gian và mang nhiều ý nghĩa lịch sự với thành phố. Các công trình tưởng niệm được xây mới để ghi nhớ những thời khắc hay những nhân vật lịch sử. Cuối cùng là các công trình mới được xây dựng có kiến trúc hiện đại, đặc biệt và nổi bật (các tòa tháp thương mại) mang tính điểm nhấn cho thành phố.
“Việc đầu tư xây dựng một công trình có quy mô và tầm vóc lớn để làm biểu tưởng một thành phố, một tỉnh, một quốc gia là chuyện hoàn toàn nên làm. Nhiều ý kiến cho rằng nên sử dụng số tiền trên để xây dựng các công trình xã hội, cải thiện đời sống nhân dân là một lối lập luận mang tính tác động vào cảm xúc và không đúng trọng tâm tranh luận.
Trong lịch sử đã ghi nhận các vị hoàng để Nga qua các thời kỳ dù hưng thịnh hay khó khăn đều xây dựng những công trình vĩ đại về cả mặt quy mô và thẩm mỹ, là biểu tượng mãi mãi cho nước Nga và dân tộc Nga. Hiện tại, các TP lớn như Moscow đã có những công trình biểu tượng trong thời kỳ mới như trường MGU, Trung Tâm Thương Mại Moscow-City”, KTS Đinh dẫn chứng.
Với công trình tháp biểu tượng ở Thái Bình, vị KTS cho rằng việc xây dựng một công trình với mức đầu tư lớn nhưng không có sự nghiên cứu đúng mức về mục đích sử dụng và thiết kế có thể gây ra lãng phí, chi phí vận hành lớn hơn doanh thu hay rõ ràng nhất là một điểm nhấn xấu của thành phố.
Nên hủy bỏ thiết kết cũ
KTS Nguyễn Trung Hiếu cho rằng, một công trình mang tính biểu tượng ở thời điểm này cần mang tính thời đại, mang hơi thở của sự phát triển, phải thể hiện được sự hiện đại chứ không phải cố tình làm cho nó cổ kính một cách kịch cỡm.
“Một công trình cổ mang tính biểu tượng như chùa keo ngoài yếu tố về kiến trúc còn mang âm hưởng của thời gian. Còn một công trình xây dựng vào thời điểm này, khi không có yếu tố thời gian và lịch sử thì quả thật là sai lầm khi biến nó thành một tổng thể kiến trúc cổ kim lẫn lộn.
Một công trình lớn nếu có thiết kế hợp lí, sử dụng các vật liệu xanh, thân thiện với môi trường, nghiên cứu sủ dụng năng lượng tự nhiên một cách tối đa sẽ giảm chi phí xây dựng một cách đáng kể”, KTS Hiếu nhấn mạnh.
Trong khi đó, ThS.KTS Phan Mạnh Hà cho rằng, nếu muốn quảng bá hay giới thiệu nhiều hơn về lịch sử Thái Bình nên tập trung vào các công trình Bảo tàng hay Công trình văn hóa.
Nếu Thái Bình vẫn quyết tâm xây dựng tháp hay công trình mang tính biểu tượng của thì nên hủy bỏ phương án thiết kế này đồng thời tổ chức một cuộc thi sáng tác để có được nhiều những ý tưởng thiết kế đẹp và kinh tế của các KTS trong và ngoài nước.
“Tỉnh vẫn có thể thiết kế và xây dựng một công trình mang tình biểu tượng nhưng với vốn đầu tư thấp hơn, thiết kế có chiều sâu hơn. Ví dụ như biểu tượng chim lạc và trống đồng của Thanh Hóa.
Ở đây Thái Bình hoàn toàn có thể dựa trên hình tượng cây lúa để đưa ra một phương án thiết kế mềm mại, đặc trưng và kinh tế”, KTS Hà nói.
Nguyễn Hoàn - datviet.vn