Tại buổi toạ đàm xây dựng dự án Luật Phòng chống tác hại của rượu bia tổ chức sáng 9/5, nhiều đại biểu đã nêu ý kiến về nội dung Bộ Y tế đề xuất cấm uống, cấm bán rượu bia cho người dưới 18 tuổi, phụ nữ đang mang thai, người đã có biểu hiện say. Dự luật cũng đề xuất không bán rượu bia tại quán karaoke, không bán cho người dưới 18 tuổi; nghiêm cấm bán rượu bia bằng máy bán tự động; cấm quảng cáo, giới thiệu rượu bia từ 15 độ trở lên. Quảng cáo rượu bia dưới 15 độ trên báo hình, báo nói chỉ được thực hiện từ sau 22h đến 6h hôm sau. Doanh nghiệp rượu bia không được tài trợ các sự kiện văn hóa, nghệ thuật, y tế, giáo dục, thể thao, vui chơi giải trí.
Trao đổi về vấn đề này, đại biểu Quốc hội, Ủy viên thường trực Ủy ban các vấn đề về xã hội, ông Lưu Bình Nhưỡng băn khoăn "lý do nào, cơ sở gì cấm bán rượu trong quán karaoke?". Ông Nhưỡng cho rằng, Bộ Y tế cần giải thích đã dựa trên thực tiễn nào để cấm?
"Anh đang theo đuổi mục tiêu gì? Muốn phân tách giữa karaoke và rượu, muốn chống người ta uống say, hay là các vấn đề khác? Làm chính sách, làm luật mà không có mục tiêu là không được", ông Nhưỡng nói.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng. |
Ông thắc mắc, nếu cấm bán rượu bia trong quán karaoke thì vấn đề kiểm soát được thực hiện như thế nào. Cấm quán bán nhưng người hát mang đến thì giải quyết ra sao?
"Vì vậy, tôi cho rằng cần nghiên cứu kỹ trước khi đưa nội dung cấm này vào luật, tránh tình trạng luật chưa được thực hiện đã phải sửa đổi", ông Nhưỡng đề nghị.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Trương Minh Hoàng cũng cho rằng cấm bán rượu trong quán karaoke là rất khó khăn.
"Tôi tỉnh thoảng cùng gia đình đi hát karaoke, các cháu nhỏ có thể dùng nước ngọt, đồ ăn vặt, còn người lớn vừa hát vừa nhâm nhi chút rượu, bia. Tôi băn khoăn không biết mục đích Bộ Y tế đề xuất cấm để đạt mục đích gì, giới hạn điều gì. Nếu đó là nguyên nhân chính đáng thì có thể xem xét", ông Hoàng nói.
Vị đại biểu Quốc hội cũng cho rằng nên tăng cường kiểm soát quá trình sản xuất, chất lượng sản phẩm bia, rượu trước khi đưa ra thị trường. Sản phẩm phải có nhãn mác, ghi rõ nguyên liệu đầu vào, công thức chế biến ra sao...
"Cần có quy định cảnh báo trên nhãn mác, ví dụ như sản phẩm này bao nhiêu độ cồn, đối tượng nào thì uống được bao nhiêu, bao nhiêu tuổi thì được mua và sau bao nhiêu giờ thì không được bán nữa", ông Hoàng đề xuất.
Ông cho biết, ở một số nước có quy định người đến mua phải trên 18 tuổi, phải ghi lại số hộ chiếu, số chứng minh nhân dân. Có những nước quy định không bán sau 22h, kể cả khi vào siêu thị nhặt rượu để mua rồi nhưng ra quá 22h sẽ không được thanh toán và phải trả lại.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học nhấn mạnh các nước đang tập trung vào khâu kiểm soát và Việt Nam cần học tập điều này. Bên cạnh kiểm soát được chất lượng và rượu bia nhập lậu, việc kiểm soát những người lạm dụng bia rượu cũng rất quan trọng.
"Những cơ sở sản xuất không đảm bảo thì phải bị xử lý nghiêm. Vừa qua nhiều vụ ngộ độc thực phẩm, trong đó có ngộ độc cồn tập thể nhưng xử lý hình sự khó khăn. Vì vậy, để tăng cường kiểm soát thì phải hình sự hóa các vi phạm liên quan đến cồn pha chế, cồn công nghiệp, nấu rượu không đảm bảo", ông Hoàng đề xuất.
GS Phan Thị Kim, nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng cũng cho rằng nên kiểm soát chất lượng bia rượu, đặc biệt là các sản phẩm được làm thủ công vì những trường hợp bị chết gần đây, nạn nhân không phải uống rượu chuẩn mà là rượu pha chế từ cồn công nghiệp.
"Hiện nay có nhiều văn bản, quy định về sản xuất rượu, bia đã ban hành nhưng một điều quan trọng là quy định tiêu chuẩn, kỹ thuật thì chưa có. Vì vậy, điều cần thiết nhất là phải có ngay bộ tiêu chuẩn kỹ thuật và test nhanh lượng Methanol trong rượu bia", bà nói.
Chủ tịch Hiệp hội Bia, rượu, nước giải khát Nguyễn Văn Việt khẳng định, việc xây dựng chính sách quốc gia về phòng, chống tác hại của việc lạm dụng đồ uống có cồn là vấn đề cần thiết, đặc biệt là ngăn chặn hàng nhái, hàng lậu và hàng giả, đảm bảo an toàn chất lượng sản phẩm, phục vụ người tiêu dùng. "Tuy nhiên các đề xuất trong Bản dự thảo Luật mới nhất không tập trung vào các yếu tố dẫn đến việc lạm dụng đồ uống có cồn, mà chỉ tập trung các chính sách nhằm hạn chế nguồn cung và hạn chế nhu cầu sử dụng rượu bia. Như vậy Luật sẽ không có tác dụng điều chỉnh, tăng cường hành vi uống có trách nhiệm mà dẫn đến một số tác động đối với người lao động và gia tăng tình trạng buôn lậu, hàng nhái, hàng giả", ông Việt nói. Mức bình quân sử dụng đồ uống có cồn ở Việt Nam theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2014 (tính theo độ cồn tuyệt đối trên đầu người từ 15 tuổi trở lên) là 6,6 lít mỗi người một năm. Mức này đứng thứ 94/194 các nước thành viên WHO và đứng thứ 11 ở Khu vực Châu Á- Thái Bình Dương. Theo báo cáo của Hiệp hội Bia rượu, tổng sản lượng sản xuất rượu trong nước đang có xu hướng giảm dần từ 349 triệu lít từ năm 2010 còn 310 lít năm 2015, trong đó rượu sản xuất theo phương pháp thủ công chiếm 80%. |
vnexpress.net