Các ý kiến thảo luận đều cho rằng, từ cuối năm 2016 đến nay, ngành chăn nuôi lợn phát triển quá nóng dẫn đến cung vượt cầu quá lớn, giá thịt lợn giảm sâu đã ảnh hưởng trực tiếp đến người chăn nuôi, nhất là các hộ nông dân nghèo...
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp. Ảnh: Xuân Tuyến |
Nhiều ý kiến đề xuất các giải pháp hạ giá thành và chế biến sâu các sản phẩm chăn nuôi để tăng sức mua trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Cùng với đó thực hiện rà soát điều chỉnh hạn chế mở mới các cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi công nghiệp; giảm quy mô đàn lợn, nhất là đàn lợn nái, điều chỉnh lại cơ cấu chất lượng đàn giống, phương thức chăn nuôi phù hợp với từng phân khúc thị trường.
Đồng thời tổ chức lại sản xuất chăn nuôi có hiệu quả theo các chuỗi liên kết từ cung cấp đầu vào cho sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, lấy doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ trang trại làm động lực, người dân làm chủ thể chính nhằm kiểm soát tốt chất lượng, an toàn thực phẩm và điều tiết cung cầu thị trường các sản phẩm chăn nuôi.
Giảm các chi phí trung gian, giảm chênh lệch giá
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng, các địa phương tập trung đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm thịt tại thị trường nội địa.
Song song đó tuyên truyền hoặc có văn bản gửi các doanh nghiệp chế biến lớn, các khu công nghiệp, các đơn vị của lực lượng vũ trang để người tiêu dùng sử dụng sản phẩm thịt trong nước nhằm chia sẻ bớt khó khăn với người chăn nuôi.
Bộ NN&PTNT cũng được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương và các địa phương trong việc phối hợp các doanh nghiệp, cơ sở có năng lực dự trữ, chế biến, tiêu thụ tăng cường thu mua giết mổ cấp đông thịt lợn, thịt gia cầm trong các tháng mùa hè sắp tới.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Tài chính và các địa phương tăng cường chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh áp dụng các giải pháp về công nghệ, quản lý phù hợp nhằm tiết kiệm chi phí, giảm giá thành, giá bán các sản phẩm đầu vào của ngành chăn nuôi, nhất là thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y.
Đồng thời tập trung mở rộng thị trường ngoài nước, đẩy nhanh các biện pháp đàm phán tìm thị trường xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi, nhất là sản phẩm của ngành chăn nuôi lợn.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương thực hiện là hướng dẫn ngay việc tạm dừng không cho phép tái xuất thịt lợn và các phủ tạng của lợn đông lạnh qua các cửa khẩu phụ, đường mòn, lối mở.
Đồng thời, phối hợp với Bộ NN&PTNT và các địa phương chỉ đạo Sở Công thương làm việc với các doanh nghiệp chế biến, giết mổ, phân phối rà soát chi phí trong các khâu nhằm giảm các chi phí trung gian, giảm sự chênh lệch giữa giá thu mua và giá bán lẻ…
Phó Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo, hướng dẫn các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng có giải pháp hỗ trợ người chăn nuôi, đặc biệt nông dân trong việc giảm, giãn nợ, hạ lãi suất đối với các khoản vốn đã vay.
Tại buổi tiếp xúc cử tri ở quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ), Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Thị Kim Ngâncho rằng, tình trạng giá heo hơi rớt thê thảm như hiện nay là do tình trạng này cung vượt quá cầu. Bộ Trưởng Bộ NN-PTNT đã nắm tình hình và đang chỉ đạo những giải pháp thiết thực để giảm bớt khó khăn cho người chăn nuôi heo. Kể cả chỉ đạo các cơ sở sản xuất thu mua thịt heo để chế biến các sản phẩm có thể cấp đông, giảm bớt tình trạng cung vượt quá cầu như hiện tại. Chủ tịch QH khẳng định, để tình trạng cung vượt quá cầu là trách nhiệm của nhà nước, khi chưa làm tốt công tác phân tích, đánh giá, dự báo thị trường… Ngoài ra, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, sẽ kiểm tra lại việc có hay không tình trạng nhập khẩu thịt heo. “Thịt bò thì chúng ta nhập rất nhiều, nhưng thịt heo thì tôi chưa nghe báo cáo. Qua ý kiến của các cử tri, tôi hứa sẽ kiểm tra, yêu cầu Tổng cục Hải quan báo cáo có hay không việc nhập khẩu thịt heo. Nếu có thì bao nhiêu tấn sẽ biết ngay, sau đó sẽ báo cáo lại cho cử tri biết”, Chủ tịch QH nói. |
Thu Hằng
Theo VietNamNet