Quốc lộ 429 dẫn về xã Đồng Tâm (Mỹ Đức) hai bên là đồng lúa xanh tốt, yên bình, nhưng khi có người hỏi đường vào thôn Hoành, nhiều người địa phương vội vàng khuyên: "Đừng vào đó bây giờ".
5 ngày qua, nơi đây trở thành điểm nóng liên quan đến đất đai khi ngày 15/4 có 38 cán bộ huyện, công an bị người dân giữ tại nhà văn hoá thôn Hoành. Hai ngày sau, 18 cảnh sát được thả.
Các ngả vào thôn Hoành được dựng chướng ngại vật. Ảnh: Thái Mạc |
Những ngày qua, thôn Hoành như biến thành "ốc đảo" khi ngay từ đầu làng, người dân đổ gạch đá, mang thân cây, thanh gỗ lớn chắn các ngả đường vào. Họ gọi đây là "chốt phòng vệ". Khoảng 100 m có một chốt.
Các gia đình cắt cử người trực cả ngày lẫn đêm. Khoảng 100 xe máy đi tuần liên tục quanh làng, mỗi tốp 2 xe để đảm bảo người lạ không thể xâm nhập.
Đền Quán Thá nằm ngay đầu thôn Hoành là chốt đầu tiên với đống gạch nằm chắn ngổn ngang, chỉ chừa một lối cho xe máy. Chiều 20/4, thấy người lạ, cụ bà 82 tuổi đi ra khuyên "hãy về đi", muốn vào phải có giấy tờ, thẻ ngành, phải được người trong làng đồng ý và có người ra đón.
Trên đường vào thôn Hoành không hiếm những đống vật liệu. |
Đi tiếp vào trong là ngã ba có gần chục người cao tuổi, thanh niên và cả phụ nữ canh giữ. Phần lớn người lạ phải dừng lại đây và bị kiểm tra giấy tờ tuỳ thân. Với nhà báo, họ cử một người đàn ông khoảng 40 tuổi ngồi sau xe máy dẫn vào làng. "Tuyệt đối không được chụp ảnh hoặc quay phim", người này yêu cầu.
Chỉ vào đống gạch vỡ, đá to chừng bằng nắm tay chất hai ven đường, người đàn ông nói: "Cả làng tự bảo vệ bằng cách này".
Dọc lối dẫn vào nhà văn hoá thôn Hoành có cả chục chốt. Hầu hết nhà dân đóng kín cửa, một số quán nước nhỏ hoạt động với đàn ông, thanh niên túm tụm.
Hướng mắt về ngôi nhà một tầng rộng khoảng trăm mét vuông bao quanh là hồ nước, người đàn ông cho hay đây là nhà văn hoá. "Dân làng không phải ai cũng có thể vào đây. Những người canh gác trước cửa đa phần được tuyển chọn", ông nói.
Những vật dụng thô sơ được mang ra đường. |
Người đàn ông nói trong những ngày qua, 20 công an và cảnh sát cơ động đang bị giữ tại hội trường nhà văn hóa được đối xử tốt: "Cơm ăn 3 bữa, quần áo phát mỗi người một bộ". Phụ nữ được phân công nấu cơm, giặt quần áo và mang đồ ăn thức uống, dọn dẹp vệ sinh. "Dân làng pha cả chè cho uống. Ai ốm, chúng tôi còn mời cả bác sĩ giỏi nhất Đồng Tâm chữa trị", người đàn ông nói.
Cách nhà văn hoá khoảng 50m, một chợ cóc bày khá nhiều mặt hàng nhu yếu phẩm nhộn nhịp người sinh hoạt, buôn bán. Nhiều trẻ em vẫn đến trường.
"Từ hôm xảy ra sự việc, phần lớn bà con trong thôn không đi chợ xa, cũng không trao đổi buôn bán gì nhiều với bên ngoài. Thôn có gì thì ăn nấy, những ngày này dân chúng tôi cơ bản là cho nhau đồ ăn", người đàn ông nói.
Đồng Tâm cách trung tâm Hà Nội khoảng 30 km. |
"Sáng nay vào được mạng một chút thấy có thông tin nói người dân sẵn sàng gậy gộc, xăng để chống trả công an, tôi khẳng định điều này là không có", người đàn ông nói và giải thích đêm qua, dân làng đánh kẻng báo động vì phát hiện có người lạ trà trộn vào làng.
Một người cho hay, những ngày qua dân đã nhận thức được việc bắt giữ người thi hành công vụ là trái luật, nên mong cơ quan chức năng nương nhẹ, "ai sai đến đâu xử đến đấy". "Chúng tôi cũng rất mệt mỏi và mong chính quyền sớm giải quyết các vấn đề đất đai", người phụ nữ hơn 40 tuổi nói.
Ngày 15/4, khi 4 người trong xã bị bắt để phục vụ điều tra vụ án gây rối trật tự công cộng bắt nguồn từ những vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, nhiều người dân xã Đồng Tâm đã phản ứng. 5 ôtô bị đập phá, 38 cán bộ huyện và cảnh sát cơ động Hà Nội bị giữ tại nhà văn hóa thôn. Tối 17/4, 15 cảnh sát cơ động được thả, 3 người khác tự giải thoát. Công an Hà Nội cũng thả một số người tại xã Đồng Tâm bị bắt ngày 15/4 với lý do đã "thừa nhận sai phạm và xin được về địa phương để khắc phục hậu quả". Chiều 20/4 lần đầu tiên ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Hà Nội đã về UBND huyện Mỹ Đức tiếp xúc nhưng người dân thôn Hoành không cử đại diện ra đối thoại. |
Nhóm phóng viên - vnexpress.net