Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân có buổi giám sát về công tác quản lý khai thác cát, sỏi ở TP Hà Nội chiều 5/4. Ông Nhân đã đến kiểm tra tình hình khai thác cát tại xã Hồng Hà (Đan Phương) và xã Cẩm Đình (Phúc Thọ).
Trong cuộc làm việc tại UBND huyện Phúc Thọ, Phó chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho biết, 4 tháng đầu năm 2017, Công an thành phố đã kiểm tra xử lý 85 vụ, 124 đối tượng; tạm giữ 72 tàu thuyền các loại; xử phạt vi phạm hành chính 34 vụ với số tiền hơn một tỷ đồng... Phòng C49 đã có công văn gửi công an các quận, huyện, thị xã nắm tình hình, phát hiện đối tượng nghi vấn bảo kê tại bến bãi, vận chuyển, khai thác cát, sỏi trên các tuyến sông.
"Cơ quan chức năng khó truy cứu trách nhiệm hình sự vì Bộ Luật hình sự quy định tội phạm vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên, nhưng chưa có thông tư hướng dẫn như thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Ngoài ra, công tác giám sát việc lợi dụng nạo vét luồng đường thủy nội địa để khai thác cát trái phép còn hạn chế", ông Hùng nói.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân giám sát khai thác cát tại huyện Đan Phượng. Ảnh: TT |
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, cần giám sát chặt chẽ bãi tập kết kinh doanh cát trên bờ. "Vừa qua Hà Nội đã giải tỏa được 80 bãi cát không phép, vậy hiện nay còn bao nhiêu bãi tập kết, trung chuyển kinh doanh cát sỏi hoạt động mà có giấy phép?", ông đặt câu hỏi.
Thiếu tướng Đinh Văn Toản, Phó giám đốc Công an Hà Nội, cho biết hiện thành phố có 226 bến bãi, trong đó 87 bến có cơ sở pháp lý về đất đai, 151 bến không được phép hoặc cấp phép sai thẩm quyền. Do nhu cầu và lợi nhuận thu được từ cát, sỏi rất lớn nên hoạt động khai thác trái phép, sai phép diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Các đối tượng dùng sà lan, tàu hút hoạt động vào ban đêm, ngày lễ, ngày nghỉ, gây khó khăn cho lực lượng chức năng...
Phó giám đốc Công an Hà Nội thông tin, một số bến bãi ven sông Hồng không có giấy phép hoạt động bến thủy nội địa, chất tải cao quá mức quy định, nằm sát đê làm ảnh hưởng đến dòng chảy và đê điều trong mùa mưa lũ. Quá trình vận chuyển vật liệu xây dựng, các đối tượng sử dụng ôtô tải trọng lớn chạy trên mặt đê gây rạn nứt, ô nhiễm môi trường.
"Công an Hà Nội phối hợp với công an các quận, huyện, thị xã và chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra tư cách pháp nhân của các tổ chức, doanh nghiệp được cấp phép hoạt động khai thác cát, nạo vét tận thu sản phẩm, nếu chưa đủ điều kiện phải dừng ngay. Đồng thời, công an thành phố cũng thành lập tổ công tác đặc biệt đột xuất kiểm tra", ông Toản nói.
Đại diện Sở Tài nguyên Môi trường cho biết, chủ trương của thành phố là giao Sở quy hoạch lại toàn bộ bến bãi, đấu giá công khai. "Việc quy hoạch lại bến bãi Sở đã gửi xin ý kiến các sở, ngành cách đây một tuần. Tập thể UBND thành phố cũng đã cho ý kiến một lần. Đề án sau đó sẽ được công khai rộng rãi", đại diện Sở Tài nguyên cho hay.
Thiếu tướng Đinh Văn Toản. Ảnh: TT |
Phó cục trưởng Đường thủy nội địa Trần Văn Thọ cho biết, Hà Nội còn 6 dự án nạo vét và ngày 14/3 đã cho tạm dừng, sau khi lắp đặt, kết nối thiết bị giám sát thì mới được tiếp tục. Cục đang xây dựng quy chế phối hợp cùng thành phố quản lý các dự án nạo vét tận thu và mỏ cát. Theo đó, để được chấp thuận thì các phương tiện phải có đăng kiểm, người điều khiển có chứng chỉ, chuyên môn, khi nạo vét phải treo biển để phân biệt phương tiện trong hay ngoài dự án.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho biết còn hơn một tháng nữa Quốc hội họp, nhân dân vẫn kiến nghị vấn đề khai thác cát sỏi trái phép vì nó nhức nhối trong cả nước. "Có một tỉnh đồng bằng sông Hồng có cát tặc mà cơ quan chức năng không xử lý, nhân dân phải tự tổ chức thành đội tự vệ chiến đấu, ngăn chặn cát tặc. Mặt trận phải vào cuộc, không để người dân đơn độc. Họ không thể không làm vì đất lở", Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nói.
Ông Nhân cũng mong Hà Nội sớm làm đúng tiến độ, cuối tháng 5 xong được quy hoạch bến bãi; trong quá trình làm vẫn rà soát, nơi nào làm trái quy định vẫn xử lý. Chủ tịch đề nghị song song với việc công bố quy hoạch thì phải phân công mặt trận giám sát để không phát sinh bến trái phép. Hà Nội cần lên phương án cụ thể, giao cho từng địa phương xử lý 82 điểm khai thác trái phép.
Theo quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản trên địa bàn Hà Nội đến năm 2020 đã được thành phố phê duyệt thì có 30 điểm mỏ cát san lấp, trong đó 26 điểm mỏ cát sông Hồng và 4 điểm mỏ cát sông Đà với tổng diện tích gần 2.400 ha. Tuy nhiên, trong 4 mỏ cát sông Đà chỉ có một điểm được cấp phép toàn bộ diện tích và 3 điểm mỏ chưa cấp phép thăm dò. Trên sông Hồng chỉ 15 mỏ được cấp phép thăm dò khoáng sản một phần hoặc toàn bộ, còn 11 điểm mỏ chưa được cấp phép.
Hoàng Thùy - vnexpress.net