Người Việt Odessa
Tin trong nước

45 năm trước, chúng tôi đi giải phóng Trường Sa

Thứ tư, 29/04/2020 | 02:00
Nhớ về những ngày tháng 4/1975, ký ức hào hùng của trận đánh lại ùa về trong tâm trí của những cựu chiến binh giải phóng Trường Sa.

Ngày này 45 năm trước (29/4/1975), cùng với đoàn quân thần tốc tiến về Sài Gòn, đã có một lực lượng đặc biệt được giao thực hiện một nhiệm vụ cũng rất đặc biệt trên mặt trận Biển Đông đó là giải phóng Trường Sa. Đây có thể nói là một quyết định táo bạo, đúng đắn, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Trung ương Đảng và Bộ Quốc phòng đối với vấn đề chủ quyền biển đảo lúc bấy giờ.

chung toi di giai phong truong sa hinh 1
Sau ngày giải phóng, Đại tá Phạm Duy Tam (người cầm vô lăng) nhiều lần cùng những người lính ở Trường Sa điều khiển tàu vào đảo Song Tử Tây. Ảnh tư liệu.

Đã 45 năm trôi qua kể từ ngày quần đảo Trường Sa được giải phóng, ký ức về trận đánh vẫn nguyên vẹn như mới hôm qua. Thắng lợi của mũi tiến công thần tốc giải phóng Trường Sa không chỉ thể hiện tinh thần chiến đấu kiên cường anh dũng, mà còn là khát vọng hòa bình của bộ đội Hải quân Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Nhớ về những ngày tháng 4/1975, ký ức hào hùng của trận đánh lại ùa về trong tâm trí của những cựu chiến binh- những người đã cầm súng trong trận đánh giải phóng Trường Sa năm ấy.

Trung tá Đào Mạnh Hồng, nguyên là phân đội trưởng chỉ huy đội đặc công số 1, Đội 1, Đoàn 126 Đặc công Hải Quân, hiện là Phó ban kinh tế Hội cựu chiến binh TP Hải Phòng nhớ lại: Vào khoảng đầu tháng 4/1975, giữa lúc ta thực hiện đợt tổng tiến công giải phóng miền Nam, Bộ Tổng tham mưu đã chỉ thị cho lực lượng Hải quân giải phóng Trường Sa, một quần đảo có ý nghĩa chiến lược về chính trị, quân sự và kinh tế. Chỉ thị nhấn mạnh: “Trường Sa là lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam. Kiên quyết không để cho lực lượng nào khác đánh chiếm đảo trước ta...”.

Đến tận bây giờ ông vẫn không thể quên được đêm 10/4/1975, từ cảng Tiên Sa, 3 chiếc tàu giả danh tàu đánh cá nhổ neo ra khơi. Đó là các tàu 673, 674, 675 của Đoàn vận tải 125 Hải quân, những con tàu “không số” huyền thoại trên “Đường Hồ Chí Minh trên biển”. Những đợt sóng lớn, vô tận, liên tiếp như muốn vùi dập những con tàu nhỏ bé xuống biển sâu, hất lên cao, rồi lại vùi xuống. Hầu hết anh em đều bị say sóng. Để bảo đảm bí mật, cán bộ chiến sĩ trên tàu  lúc đó phải ẩn giấu trong khoang kín, gần 300 người cùng vũ khí ngồi san sát như những lớp cá xếp ngay ngắn dưới hầm tàu, lênh đênh trên biểnvừa bị say sóng, vừa thiếu không khí.

Ông Đào Mạnh Hồng cho biết: “Ba ngày ba đêm lênh đênh trên biển, các chiến sĩ hầu như là say sóng, thế nhưng với khí thế và tinh thần của những người lính Hải quân lúc đó rất tự hào, phấn khởi và rất thiêng liêng vì là những người đầu tiên được nhận nhiệm vụ giải phóng Trường Sa. Lúc đó không ai nghĩ đến chuyện hi sinh đâu mà chỉ nghĩ đến chuyện làm sao hoàn thành tốt nhiệm vụ của Tổ quốc giao cho mình”.

Nhớ về thời điểm lúc bấy giờ, chiến đấu viên Lê Xuân Phát, Đoàn Đặc công 126 vẫn còn vẹn nguyên tinh thần chiến đấu khi đối mặt với tàu chiến lớn của địch giữa đại dương mênh mông.

Ông Lê Xuân Phát kể, giải phóng đảo Song Tử Tây diễn ra theo đúng kế hoạch. Quân ta đánh bí mật tiếp cận, nhanh chóng đổ bộ, hiệu lệnh từ khẩu súng DKZ phát ra, các mũi tiến công ào lên dữ dội, bất ngờ đánh chiếm mục tiêu, địch bị đánh bất ngờ, chống cự yếu ớt và đầu hàng sau 30 phút.

 

Rạng sáng ngày 14/4, đảo Song Tử Tây được giải phóng, khiến quân địch trên toàn quần đảo Trường Sa hoang mang, dao động, tạo điều kiện cho ta giải phóng các đảo còn lại thuận lợi. Tiếp đến, 3 giờ sáng ngày 25/4 ta giải phóng hoàn toàn đảo Sơn Ca; 10 giờ 30 phút ngày 27/4, ta làm chủ đảo Nam Yết; 10 giờ 20 phút ngày 28/4, ta hoàn toàn làm chủ đảo Sinh Tồn. Đến 9 giờ sáng 29/4, phân đội chiến đấu cuối cùng của Lữ đoàn 126 đổ bộ làm chủ đảo Trường Sa.

Đã 45 năm trôi qua nhưng ông Lê Xuân Phát không sao quên được cảm xúc khi treo lá cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam lên đỉnh cột cờ phía Đông đảo Song Tử Tây lúc đó. Đó là một kỷ niệm khó quên trong đời chiến đấu của ông.

chung toi di giai phong truong sa hinh 2
Cựu chiến binh Lê Xuân Phát kể cho con cháu về những ngày đi GPTS và kỷ niệm khi ông còn công tác. Ảnh Cẩm Lai.

Không giấu được niềm tự hào về những ngày tham gia giải phóng Trường Sa, Đại tá Phạm Duy Tam, Nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân kể, với người lính hải quân từng 7 lần làm lễ truy điệu sống trước khi ra khơi vận tải vũ khí vào Nam, từng đối đầu với bao phen sinh tử, thì phút giây quần đảo Trường Sa giải phóng vỡ òa trong niềm vui. Ngày ông nhận lệnh ra giải phóng Trường Sa, lúc đó ông là thuyền trưởng tàu không số, tàu được chỉ đạo bí mật hành quân, nhanh chóng, bất ngờ đổ bộ giải phóng hoàn toàn các đảo do quân đội Sài Gòn đang chốt giữ.

Đại tá Phạm Duy Tam kể: Chúng tôi ý thức nếu để mất thời cơ, để đối phương khác lợi dụng chiếm đóng mất đảo thì chính mình sẽ có tội với tổ tiên, cha ông và muôn đời con cháu mai sau… Ngày ấy đảo còn thấp lè tè, chiều cao các đảo ở Trường Sa so với mặt nước biển chỉ khoảng từ 1,5m đến 4,5m. Ban ngày phát hiện đã khó, ban đêm lại càng khó hơn vì đảo không có điện, huống hồ lại phải phân biệt đảo do nước này hoặc đảo nước khác đang chiếm giữ trên một vùng biển mênh mông, rộng lớn… Bên cạnh đó, trang thiết bị hàng hải dẫn đường cho tàu ta hồi đó quá thô sơ. Trên tàu chỉ có một la bàn chỉ hướng đi. Sau ba ngày hành quân liên tục vượt 500 hải lý mặc sóng to gió lớn, biên đội của ông đã phát hiện được đảo Song Tử Tây và thực hiện đúng ý định mệnh lệnh trên giao. Đó là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn nhưng thời khắc không thể chậm trễ.

Là thế hệ những người đi giải phóng Trường Sa 45 năm về trước, Cựu chiến binh Đặng Văn Tới cho rằng: Để những chuyến đi thành công và an toàn, chúng tôi luôn chọn thời điểm biển động, sóng to, gió lớn cấp 6 đến cấp 8 để lên đường. Ngoài đạn bom giặc thù, còn bao nhiêu hiểm nguy luôn rình rập bủa vây. Nhưng những đoàn tàu không số vẫn nối đuôi nhau vận tải vũ khí vào Nam. Cựu binh Đặng Văn Tới luôn mong mỏi một điều, thế hệ hôm nay và mai sau phải giữ được những hòn đảo nơi địa đầu tổ quốc để phòng thủ đất nước từ xa, bằng bất cứ giá nào cũng phải bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

chung toi di giai phong truong sa hinh 3
Lúc 9 giờ ngày 29/4/1975, Cờ giải phóng đã tung bay trên đảo Trường Sa. Ảnh tư liệu (TTXVN).

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, việc giải phóng quần đảo Trường Sa và các đảo trên Biển Đông có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Sau khi giải phóng 5 đảo trên quần đảo Trường Sa năm 1975, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cấp trên giao về củng cố, xây dựng Trường Sa, Quân chủng Hải quân đã nhanh chóng triển khai lực lượng đóng giữ thêm 16 đảo, nâng tổng số lên 21 đảo với 33 điểm đóng quân. 45 năm qua, quân dân Trường Sa bước vào thời kỳ lịch sử mới, thời kỳ xây dựng chiến đấu và trưởng thành bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc./.

 

Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN