Bình Lợi là cầu sắt vượt sông Sài Gòn đầu tiên, được xây dựng và hoàn thành năm 1902. Cầu có kết cấu vòm thép, mặt gỗ, và có đường ray xe lửa nối Sài Gòn và Biên Hòa. Nhịp giữa quay được cho tàu qua, xây dựng bởi công ty Pháp Lavelois Perret (tên của công ty Eiffel do Gustav Eiffel, người kỹ sư xây tháp Eiffel sáng lập).
Sau 113 năm khai thác, cầu đã xuống cấp nghiêm trọng, chiều cao thông thuyền của cầu chỉ còn 1,8 m nên khi có thủy triều lên, nhiều tàu đã mắc kẹt dưới gầm cầu. Bộ GTVT đang thực hiện dự án xây dựng cầu đường sắt Bình Lợi mới để thay thế cầu cũ.
Cầu Sài Gòn (trước năm 1975 tên là cầu Tân Cảng) là cầu nổi tiếng và quan trọng nhất nối liền TP HCM với các tỉnh miền Trung, miền Bắc ở cửa ngõ Đông Bắc thành phố. Cầu được công ty Johnson Drake and Piper (Mỹ) thi công năm 1958 đến năm 1961 hoàn thành. Cầu dài hơn 986 m, gồm 32 nhịp.
Cầu Sài Gòn là nhân chứng lịch sử chứng kiến nhiều biến động của thành phố. Năm 2012, cầu Sài Gòn 2 được xây dựng song song với cầu cũ, dài hơn 987 m, gồm 30 nhịp. Sau khi đưa vào sử dụng, cầu Sài Gòn 2 đã giải quyết triệt để điểm tắc nghẽn ở cửa ngõ phía Đông Bắc của thành phố.
Cầu Thị Nghè bắc qua rạch Thị Nghè (đoạn gần hạ lưu đổ vào sông Sài Gòn), nối quận 1 và quận Bình Thạnh. Cầu xưa kia do bà Nguyễn Thị Khánh, con gái quan khâm sai Nguyễn Cửu Vân xây để chồng tiện đường qua Sài Gòn làm việc. Chồng bà chỉ là thư ký, đương thời gọi là ông Nghè (tức đã đỗ Tiến sĩ), nên nhân dân gọi bà là Bà Nghè. Năm 1867, cầu được làm lại bằng sắt, đến năm 1970 được xây mới bêtông cốt thép.
Cầu Bông có tên ban đầu là Cao Miên hay cầu Cambodge, là một trong những cầu được xây dựng đầu tiên ở Sài Gòn. Theo ghi chép của cố nhà văn Sơn Nam, cầu Bông được xây dựng vào khoảng thế kỷ 18, có sách ghi năm 1736. Cầu ban đầu làm bằng gỗ.
Về cái tên cầu Bông có nhiều giả thiết và giả thiết được nhiều nhà nghiên cứu nhắc đến là sau khi Tả quân Lê Văn Duyệt xây dựng một vườn hoa gần cầu này thì dân gian bắt đầu gọi là cầu Hoa. Sau này, người dân phải đọc trại thành cầu Huê vì kiêng tên bà Hồ Thị Hoa, vợ vua Minh Mạng (triều Nguyễn). Sau cùng, người Sài Gòn đổi hẳn tên là cầu Bông (bông là hoa theo cách gọi của người miền Nam) cho đến nay.
Trải qua hơn 200 năm lịch sử, cầu Bông nhiều lần bị phá hủy, đánh sập nhưng nó vẫn được xây mới ngay tại vị trí cũ. Tháng 10/2013, cầu Bông được tháo dỡ để xây dựng mới, tạo thuận lợi cho các phương tiện đi trên đường Hoàng Sa và Trường Sa.
Cầu Khánh Hội bắc qua kênh Bến Nghé, ngay cửa ngõ sông Sài Gòn và kế bên bến Nhà Rồng, ngày nay là một trong 11 cầu trọng yếu trên đại lộ Đông Tây. Trong suốt lịch sử hơn 100 năm ra đời, cầu đã hai lần được phá bỏ để xây mới nhằm đảm nhiệm vai trò là trục kết nối từ trung tâm quận 1 về quận 4, 7.
Cầu Khánh Hội đầu tiên được xây năm 1904, người Pháp gọi là Le pont tournant, nghĩa là cầu quay. Tên gọi này dựa theo thiết kế độc đáo - khi cầu có thể quay khúc giữa vào giờ nhất định trong ngày để mở đường cho tàu thuyền qua lại dễ dàng. Người Sài Gòn gọi bằng cái tên thân thuộc là "cầu quay Khánh Hội" hoặc "cầu Bắc Bình Vương". Tuy nhiên, những vòng quay của cầu Khánh Hội chỉ kéo dài vài thập niên. Đến những năm 1940, cầu được cố định do được lắp đặt thêm tuyến đường sắt dẫn đến khu cảng.
Sau năm 1954, cầu quay Khánh Hội bị phá bỏ và xây mới bêtông. Năm 2006, cầu được tháo dỡ và xây mới hoàn toàn trên nền cầu cũ với chiều dài gần 167 m, rộng 22 m, được thiết kế cho 4 làn xe.
Cầu Mống là một trong những cầu cổ xưa nhất còn sót lại ở Sài Gòn, được thi công vào năm 1893-1894. Cầu do Công ty vận chuyển hàng hải Pháp Messageries Maritimes đầu tư và Công ty Levallois Perret xây dựng. Thành cầu uốn cong, có những khoảng trống, sơn xanh (ban đầu cầu có nước sơn màu đen) bắc qua kinh Tàu Hũ nối quận 1 và quận 4. Cầu dài 128 m, rộng 5,2 m, xây bằng thép kiên cố và được dùng cho cả người đi bộ lẫn xe cơ giới.
Trong giai đoạn thi công Đại lộ Đông Tây và Đường hầm sông Sài Gòn, cầu được tháo dỡ hoàn toàn và sau đó được lắp ghép lại theo nguyên bản. Điểm khác biệt duy nhất là các đường dẫn lên cầu đã được phá bỏ và thay thế bằng bậc tam cấp dành cho người đi bộ.
Cầu Tân Thuận 1 nay nối đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7) với đường Nguyễn Tất Thành (quận 4). Cầu dài 241 m, lòng cầu rộng 8 m, mỗi lề 1,25 m. Cầu được xây từ thời Pháp sau khi đào Kênh Tẻ năm 1905. Cầu được sửa chữa lớn năm 1992. Năm 2005, cầu lại xuống cấp và được Công ty Freyssinet International at Compagnie của Pháp tiến hành sửa chữa, nâng cấp. Năm 2008, cầu lại tiếp tục được sửa chữa để nâng tải trọng lên 30 tấn. Hiện nay, cầu cho phép các loại xe một chiều từ quận 7 sang quận 4.
Cầu Công Lý nằm trên tuyến đường chính đi từ sân bay Tân Sơn Nhất vào trung tâm thành phố. Thời Pháp gọi là cầu Mac Mahon (Mặt má hồng). Cầu này đặc biệt nổi tiếng sau sự kiện Nguyễn Văn Trỗi đặt bom mưu sát Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert McNamara năm 1964. Ngày nay, cầu được đổi tên là Nguyễn Văn Trỗi và được xây dựng lại khang trang hơn.
Cầu chữ Y do người Pháp xây dựng vào cuối năm 1938 và hoàn thành năm 1941. Cầu nối quận 5 và quận 8 với ba nhánh giống như hình một chữ Y lớn: nhánh đường Nguyễn Biểu dài 175 m, nhánh Nguyễn Thị Tần dài 178,3 m; nhánh Hưng Phú dài 137 m. Tổng cộng chiều dài các nhánh là hơn 490 m. Khu vực lồng cầu (ở giữa) có ba nhánh rộng 9 m, mỗi lề 0,7 m. Độ cao tĩnh không cách mặt nước là 6,3 m. Toàn bộ công trình khi xây dựng tiêu tốn 800 tấn thép và hơn 4.000 m3 bêtông.
Cầu được nhiều lần sửa chữa lớn vào các năm 1948, 1957, 1992. Trong chương trình cải tạo về giao thông của thành phố từ năm 2006 đến nay, nhánh cầu chữ Y phía quận 5 đã được Sở GTVT TP HCM điều chỉnh giao thông nhằm giảm ùn tắc.
Cầu Chà Và bắc qua kênh Tàu Hủ nối với kênh Ruột Ngựa, là cầu thông thương vùng Chợ Lớn giữa quận 8 và quận 5. Cầu có bề dài lịch sử hơn 100 năm. Từ thời xưa, vùng này là phố chợ của người gốc Ấn Độ chuyên bán vải, nhưng người dân Việt Nam nhầm họ là người đến từ đảo Java của Indonesia, nên gọi trại là người Chà Và.
Sau năm 1975, cầu được nâng cấp, sửa chữa, đến năm 1993 mới hoàn thành. Năm 2006, cầu Chà Và tiếp tục ngưng hoạt động 2 năm để tháo dỡ làm mới để triển khai dự án đại lộ Đông Tây. Năm 2009, cầu mới được hoàn thành và thông xe trở lại. Cầu có chiều rộng khoảng 30 m, dài 190 m, có thêm 2 nhánh phụ lên xuống đại lộ Đông Tây, đảm bảo các phương tiện đi trên cầu không giao cắt nhau nhằm hạn chế tối đa kẹt xe.
Cầu Nhị Thiên Đường được xây dựng từ năm 1925, bắc qua Kênh Đôi quận 8 của vùng Chợ Lớn. Cầu không chỉ có bề dày lịch sử, mà còn là cửa ngõ kết nối Chợ Lớn với các tỉnh miền Tây Nam Bộ, qua quốc lộ 50. Điểm đặc biệt của cầu là hàng cột xanh rêu và các mái vòm cong dưới chân cầu giống những cây cầu cổ ở châu Âu. Ngoài ra, dù được xây trong thời đại hoàng kim của cầu sắt nhưng Nhị Thiên Đường lại ngoại lệ khi được thiết kế hoàn toàn bằng bêtông cốt thép.
Sau 90 năm, cầu được cho là đã xuống cấp nghiêm trọng, Sở GTVT TP HCM đề nghị chi khoảng 163 tỷ đồng để xây mới cầu với kiểu dáng, kết cấu tương tự cầu cũ. Cuối tháng 1, cầu cũ được rào chắn và tháo dỡ hoàn toàn để xây cầu mới.
Thành Nguyễn - vnexpress.net
Mọi ý kiến đóng góp quý vị có thể liên hệ với chúng tôi theo thông tin sau:
nguoivietodessa@gmail.com