5h sáng, ông Nguyễn Huy Chi ở xã Quỳnh Tân (Quỳnh Lưu, Nghệ An) thức giấc, vội lót dạ bữa sáng, rồi cầm theo cái cờ mà ông gọi là "vật bất ly thân". Gần 6h, ông ngồi lên chiếc xe đạp cà tàng chạy gần 2 km tới đường ngang dân sinh không rào chắn để bắt đầu công việc cảnh giới đường sắt.
Hơn 7h, khi tàu khách Bắc - Nam kéo còi chuẩn bị băng qua khu gian nơi có đường ngang dân sinh thì cũng là lúc ông lão 78 tuổi đội chiếc mũ cối đứng cạnh đường ray để phất cờ, ra hiệu cho phương tiện hai bên đường dừng lại.
"Công việc của tôi đơn giản chỉ thế thôi, cứ lặp đi lặp lại ngày này qua ngày khác, nhưng chưa khi nào thấy chán. Cũng không nhớ đã đón bao nhiêu chuyến tàu trong 12 năm qua", ông Chi vừa nói, vừa lom khom nhặt từng viên đá xe tải làm vương vãi trên đường ray vứt đi, giữ an toàn cho xe cộ qua lại.
Quá quen thuộc với hình ảnh ông già làm gác chắn, nhiều người tham gia giao thông mỗi khi qua đây lại chạy xe chầm chậm nói với “ông Barie giữ gìn sức khỏe nhé…”.
Mỗi lúc vắng tàu, hay để tránh mưa gió, ông Chi lại trở vào nhà gác nằm cách đường ray chừng 10 m. Gọi là nhà, chứ thực ra chỉ là căn lán rộng 4 m2 với 4 cột bê tông, mái lợp bằng vài tấm ngói xi măng. Trong nhà gác là tấm phản bằng gỗ và chiếc chiếu rách làm nơi ngồi nghỉ ngơi.
Nhấp ngụm nước chè trong chiếc chai nhựa mang sẵn từ nhà, ông kể những năm 2000, một lối mòn dân sinh qua đường sắt tại đây trở thành đường liên xã, lưu lượng giao thông của người dân xã Quỳnh Tân và các xã lân cận tăng mạnh. Có ngày cao điểm, xe chở vật liệu xây dựng công trình lên tới cả trăm chuyến. Đã có nhiều vụ tai nạn đường sắt, cướp đi một số sinh mạng.
Để giảm tai nạn, đoàn thanh niên của ngành đường sắt Việt Nam phối hợp với đoàn thanh niên xã Quỳnh Tân tổ chức phối hợp cảnh giới đường ngang. Việc cảnh giới hàng ngày được cắt cử luân phiên một người làm nhiệm vụ, song công việc tình nguyện gặp nhiều khó khăn nên không thể duy trì.
Năm 2005, ngành đường sắt tiếp tục phối hợp với Hội cựu chiến binh xã Quỳnh Tân để duy trì hoạt động cảnh giới. Một tốp cựu chiến binh thay nhau tình nguyện gánh vác công việc, tuy có khoản tiền phụ cấp vài trăm nghìn đồng nhưng rồi công việc cũng không thể duy trì, lần lượt mọi người xin nghỉ.
Trong tốp cựu chiến binh đó, duy nhất ông Nguyễn Huy Chi tình nguyện gắn bó với công việc. Ông Chi kể, những ngày đầu cũng có nhiều người ở địa phương nói mình là "lão gàn"; "ông già hâm vác tù vàng hàng tổng"... bởi số tiền hỗ trợ chẳng đáng là bao. Nhưng mặc lời chê bai, ông cứ lặng lẽ làm.
"Là dân địa phương, từng vài lần tới hiện trường chứng kiến cảnh người đi xe máy băng qua đường ngang dân sinh bị tàu cán tử vong, tôi lại thấy nhói lòng. Rồi tự đặt câu hỏi, mình nên làm gì để giúp giảm thiểu tai nạn nơi đây", ông Chi nhớ lại lý do thôi thúc gắn bó với công việc.
Theo ông, nhiều người ý thức tham giao thông chưa tốt. Nhiều khi tàu sắp băng qua, dù được báo hiệu nhưng họ vẫn cố tình vượt. “Vì sợ tai nạn, tôi buộc phải lao tới giữ lấy tay lái không cho họ băng qua. Cũng vì ngăn can mà lại bị họ quát mắng, nhưng tôi không to tiếng đáp trả, chỉ ngậm ngùi cho qua", ông Chi kể.
Ông Nguyễn Huy Chi đang đón một chuyến tàu khách băng qua. Ảnh: Hải Bình. |
Chọn công việc hiếm người dám nhận với mức tiền hỗ trợ từ vài trăm nghìn đồng, gần đây tăng lên một triệu đồng một tháng, nhưng ông Chi chưa một lần phàn nàn. “Ngoài mức tiền hỗ trợ, tôi còn có phụ cấp thương binh hạng 1/4. Vợ chồng già nuôi con gà con vịt, trồng rau để phụ thêm thu nhập hàng ngày. Giờ đây tôi cũng không có dự định gì khác mà sẽ tiếp tục làm công việc này cho tới lúc nào sức khỏe không cho phép nữa thì thôi”, ông Chi kể.
Ông Nguyễn Thế Tùng, Cung trưởng cung đường sắt Quỳnh Văn (Công ty cổ phần đường sắt Thanh Hóa), cho biết trước đây ông Chi được trang bị điện thoại và sách bút để nhận thông báo, ghi chép nhật ký mỗi khi có tàu sắp qua. Gần đây, khi mắt kém, sức khỏe giảm sút, ông không nhận điện thoại thông báo của nhà ga nữa, việc cảnh giới do ông trực tiếp lắng tai nghe còi tàu.
Mỗi ngày công việc của ông Chi là cảnh giới tàu từ 6 đến 18h, đón gần chục chuyến tàu khách và một số tàu hàng băng khu gian nơi đây. Trong 12 năm ông làm việc, điểm giao cắt này chưa xảy ra vụ tai nạn chết người nào.
“Sẽ rất khó để tìm được một người tình nguyện đảm nhận công việc như ông Chi. Ngành đường sắt thường xuyên động viên tinh thần để ông tiếp tục cống hiến”, ông Tùng nói.
Nhà gác đơn sơ nơi ông Chi đợi tàu. Ảnh: Hải Bình. |
Ông Hồ Minh Mậu, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Tân (Quỳnh Lưu) cho rằng việc làm của ông Nguyễn Huy Chi là tấm gương sáng. Chính quyền biết công việc của ông chỉ nhận được mức hỗ trợ một triệu đồng/tháng, nhưng do kinh phí của địa phương hạn hẹp nên không có để phụ cấp thêm, chỉ động viên tinh thần.
Hải Bình - vnexpress.net