Thiền sư Liễu Quán (1667-1742) là người đã khai sáng ra chi phái Thiền mới (Thiền phái Liễu Quán), mang đậm phong cách của Văn hóa phật giáo Việt Nam còn truyền lại đến ngày nay.
Sau khi viên tịch, di cốt của thiền sư được nhập vào bảo tháp thuộc vùng rừng thông của làng An Cựu xưa (Thừa Thiên Huế). Đây là một ngôi tháp đẹp, cổ kính và uy nghiêm.
Nhiều du khách lần đầu đến Huế, nếu không biết thì có thể nhầm đây là lăng tẩm của một vua chúa nào đó của triều Nguyễn bởi quy mô xây dựng, kiến trúc và địa thế phong thủy của bảo tháp.
Ngôi tháp cổ tựa lưng vào núi Thiên Thai, xung quanh được bao bọc bởi những cây cổ thụ lớn. Ảnh: Võ Thạnh. |
Ngôi tháp cổ tựa lưng vào núi Thiên Thai, xung quanh được bao bọc bởi những cây cổ thụ lớn.
Tháp có hai lớp tường thành bằng đá bao quanh. Lớp trong hình bát giác, lớp ngoài hình tứ giác. Ở ngoài nhìn trên cổng tường vào tháp có biển đề chữ: "Ðàm hoa lạc khứ hữu du hương" (hoa đàm rụng hương thơm vẫn còn).
Hai bên có hai câu đối: "Bửu đạt trường minh bất đoạn môn tiền lưu lục thủy; Pháp thân độc lộ y nhiên tạo lý khán thanh sơn" (Tiếng linh báu ngân dài cùng dòng nước lục trước cửa chảy hoài không dứt; Pháp thân lộng y nhiên bất động ngắm núi xanh).
Tháp có hai lớp tường thành bằng đá bao quanh. Ảnh: Võ Thạnh |
Phía trước tháp cũng có một hồ bán nguyệt trồng hoa sen, hoa súng, tiếp đó là hương án được làm bằng đá chạm trổ hình tượng hai con rồng rất tinh tế.
Ngay chân tháp cổ là tấm bia đá, được gắn sâu vào mặt trước của chân tháp, dòng lạc khoản ghi “Sắc tứ Chánh Giác Viên Ngộ Liễu công Lão Hòa thượng chi tháp” (Tháp của Lão Hòa thượng Liễu công, thụy hiệu là Chánh Giác Viên Ngộ).
Tấm bia lớn được cho là do võ vương Nguyễn Phúc Khoát ban tặng. Ảnh: Võ Thạnh. |
Ở vị trí trung tâm của tháp có nhà bia lớn, văn bia gồm gần 1.500 chữ Hán được soạn và dựng 6 năm sau ngày Tổ Liễu Quán viên tịch.
Chính nội dung tấm bia này là một tài liệu đầy đủ nhất còn lại cho người đời sau biết rõ công hạnh tu chứng và hóa đạo của Tổ Liễu Quán.
Đặc biệt, bài minh trên bia do hòa thượng Thiện Kế biên soạn, nhưng lại có dấu triện vuông ghi là “Quốc chủ ngự bút chi bảo” của Chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát.
Ngôi tháp cổ nơi nhập di cốt của thiền sư Liễu Quán. Ảnh: Võ Thạnh. |
Trong khuôn viên của ngôi tháp cổ còn có nhà bia với bài vị thờ các vị Thành Hoàng khai canh khai khẩn, Thổ địa và tổ tiên các đời trước.
Theo người dân địa phương và một số tài liệu, nhà bia thờ Thành Hoàng, Thổ địa liên quan đến một giai thoại về thiền sư Liễu Quán. Chuyện kể rằng, năm 1708 thiền sư Liễu Quán đi vào chân núi Thiên Thai để ẩn danh, tham thiền và tá túc trong một ngôi miếu cổ.
Lúc bấy giờ, các bô lão trong làng dưới chân núi được vị thần Thành Hoàng về báo mộng nói rằng "kiếm chỗ khác để xây miếu vì miếu cũ ta đã nhường cho một vị Bồ Tát đắc đạo tu hành". Các vị bô lão trong làng đến ngôi miếu Thành Hoàng thì quả thực thấy có vị sư đang ngồi tham thiền. Từ đó họ đã đi làm ngôi miếu khác nhường chỗ cho vị sư tu hành.
Chính nơi đây, sau khi đắc đạo, thiền sư đã khai sáng ra dòng thiền Lâm Tế- Liễu Quán ở đàng Trong (dòng thiền thứ hai sau thiền phái Trúc Lâm Yên Tử) với pháp kệ truyền thừa.
Võ Thạnh - vnexpress.net