Tóc bạc, gương mặt hiền khô, giản dị từ lối nói chuyện đến cách ăn mặc, nụ cười cởi mở nhưng pha chút bối rối, nếu không được cô trợ lý của ông giới thiệu, tôi chẳng thể biết đó là tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ - người nổi tiếng với hàng trăm phát minh khoa học và là ông chủ của một tập đoàn nổi tiếng.
Cậu bé bán kem thành tiến sĩ
Ông Mỹ là anh cả trong gia đình có 5 anh em ở xã Thanh Mỹ, huyện Châu Thành, Trà Vinh.
Ông có tuổi thơ khốn khó khi vừa đi học vừa bán bánh mì, cà rem để mưu sinh và nuôi các em. Dù vất vả nhưng ông vẫn thi đỗ Ðại học Kỹ thuật Phú Thọ (nay là Trường Ðại học Bách khoa TP.HCM).
Năm 1979, ông sang Canada định cư với bàn tay trắng, không gia đình, không bạn bè, không nghề nghiệp…
Ông mưu sinh bằng việc bồi bàn, phụ bếp. Vừa làm việc để trang trải cuộc sống nơi đất khách quê người, vừa học đại học. Ông giành được cùng lúc 2 học bổng NSERC và FCAR, bảo vệ thành công luận án thạc sĩ về “chất xúc tác dị thể” và tiến sĩ về “hợp chất cao phân tử liên hợp điện quang”.
Ông được nhận vào làm trong những công ty điện toán và in ấn hàng đầu thế giới như IBM, Sun Chemical và Kodak Polychrome Graphics. Ông có hàng trăm bằng phát minh được công nhận tại Mỹ, Canada và châu Âu.
'Người giàu đến sớm, đại gia đúng giờ, người nghèo đến trễ'
Đang thành danh rực rỡ ở nước ngoài, năm 2004, ông trở về Trà Vinh để đầu tư và xây dựng tập đoàn Mỹ Lan. Bạn bè biết ông bỏ ra hàng chục triệu USD để đầu tư vào công nghệ cao nhưng lại chọn Trà Vinh, một tỉnh nghèo nhất ở miền Tây, họ bảo ông bị điên. Thế nhưng tập đoàn của ông vẫn sống khoẻ đến hôm nay.
Lợi nhuận của Mỹ Lan hàng trăm tỉ mỗi năm và đặc biệt tạo được công ăn việc làm cho hàng trăm người dân quê ông.
Đùng một cái, ông quyết định “nhường” Mỹ Lan lại cho vợ để về Cù lao Long Trị, một vùng đất heo hút. Ở đây, ông có đồng sự là đội ngũ nhân viên trẻ tài giỏi về nông nghiệp, thông minh và am hiểu công nghệ cao.
Tiến sĩ Mỹ giải thích, ở tuổi ngoài 60, khi khởi nghiệp bản thân ông không thấy khó khăn bởi đã có nhiều kinh nghiệm trên thương trường. “Đây cũng là thế mạnh so với những doanh nhân trẻ khi bước vào con đường khởi nghiệp”, ông nói.
Theo ông Mỹ, khởi nghiệp là hành trình sáng lập và phát triển doanh nghiệp dựa trên cách làm khác để tạo ra sản phẩm mới, cách phục vụ tốt hơn cho đời sống xã hội.
Có 5 yếu tố trong khởi nghiệp, đó là con người, ý tưởng, vốn, mô hình và thời điểm. Trong đó, quan trọng nhất là người khởi nghiệp phải có sức khỏe, có thói quen tốt.
“Muốn khởi nghiệp thành công phải có thói quen tốt như đúng giờ giấc, giữ lời hứa, không bỏ cuộc. Tôi thường nói người giàu thì thường đến sớm, đại gia đến đúng giờ và người nghèo luôn luôn đến trễ. Thường những người có thói quen tốt như trên khởi nghiệp rất thành công, điển hình như Steve Job, Bill Gates…”, ông Mỹ chia sẻ.
1.000 tỉ khởi nghiệp để trên đầu
Đối với ông, người khởi nghiệp phải có cái tâm, làm gì cũng phải cho xã hội, đất nước khá hơn chứ không phải để kiếm nhiều tiền.
“Theo kinh nghiệm của tôi, những người khởi nghiệp mà muốn kiếm nhiều tiền thì nhanh chóng thất bại, vì xung quanh họ lúc nào cũng có người tương tự”, ông Mỹ giải thích.
Ông Mỹ giới thiệu những sản phẩm mà công ty của ông đang làm. |
Về ý tưởng khởi nghiệp, tiến sĩ ngoài 60 tuổi cho rằng, phải có 4 cái để làm. Đó là làm đúng cái đang sai, làm hoàn hảo cái đang tốt. Làm để có cái chưa có và làm để có dấu ấn tốt cho đời.
Nhiều bạn trẻ khi gặp ông Mỹ thường hỏi tiền ở đâu để khởi nghiệp, lúc đó ông chỉ vào đầu mình rồi bảo 1.000 tỉ mẹ để trên đầu, nó rất nhiệm màu nếu càng đào nhiều nó càng ra nhiều.
“Khối óc, sự sáng tạo của con người tôi định giá 1.000 nghìn tỉ, nhưng nhiều người đang bị lãng quên. Người khởi nghiệp thất bại thường nghĩ tiền ở chỗ khác đến chứ không phải trong đầu mình”, ông nhấn mạnh.
Khởi nghiệp và câu chuyện cạnh tranh về giá
Ông Mỹ nhắn nhủ, khi một người làm ra sản phẩm phải biết khách hàng mình là ai, không thể bán bừa bãi. Công ty ông làm đồng hồ nước thông minh thì đối tượng nhắm đến là công ty cấp thoát nước chứ không phải là người tiêu dùng. Dù giá trị mang lại cho người tiêu dùng nhiều hơn, nhưng họ không có quyền thay đồng hồ nước nên phải bán cho công ty quản lý.
“Khi biết giá trị sản phẩm mình làm ra thì không bao giờ được bán rẻ, phải bán đúng với giá trị nó mang lại cho người tiêu dùng”, ông Mỹ nói.
“Sản phẩm độc quyền thì bán giá cao. Còn mặt hàng mà mình làm ra giá trị cao mà người nào làm cũng được thì phải cạnh tranh bằng giá. Hầu hết chuyện khởi nghiệp ở Việt Nam đều phải cạnh tranh bằng giá vì sản phẩm đó ai làm cũng được, không có gì độc đáo.
Một câu chuyện nữa là làm 1 sản phẩm mà không có giá trị cao và người nào làm cũng được thì đừng làm”, ông Mỹ phân tích.
Ông Mỹ đứng quan sát các nhân viên ăn cơm |
Khi được hỏi về phong trào khởi nghiệp trong năm 2016 ở Việt Nam, ông Mỹ đánh giá khá tốt và có hiệu quả, nhưng ông lại cho rằng việc Nhà nước bỏ tiền ra thành lập quỹ khởi nghiệp để đầu tư vào các công ty khởi nghiệp là không hợp lý.
“Nhà nước đừng nên làm chuyện đó, vì công ty khởi nghiệp mà tiền của Nhà nước thì dễ tạo ra 1 cơ chế để người ta tham nhũng... Chuyện đầu tư vào khởi nghiệp phải để công ty tư nhân, vì họ đã quen thuộc và khách quan hơn. Nhà nước chỉ cần có những chính sách hỗ trợ để công ty khởi nghiệp đăng ký bản quyền, sáng chế”, ông Mỹ nói.
Khi khởi nghiệp lần thứ ba, ông chọn đầu tư vào nông nghiệp thông minh vì ông nhìn thấy được nhiều cơ hội.
“Tôi chú ý đến nông nghiệp là khi mọi người nhắc nhiều về thực phẩm bẩn và biến đổi khí hậu. Trong đó, biến đổi khí hậu là chuyện đang xảy ra và chính mình chứng kiến. Cụ thể đợt hạn mặn lịch sử vừa rồi ở ĐBSCL.
Nhà tôi cạnh sông Cổ Chiên, vậy mà vừa qua không có nước để tưới cây vì mặn. Tôi tìm hiểu và biết con sông ngày 24 tiếng thì sẽ có vài tiếng là nước ngọt. Muốn lấy được nước ngọt thì phải canh biết được giờ để bơm nước. Vậy là chiếc đồng hồ nước thông minh ứng dụng điện toán đám mây và Internet vạn vật ra đời giúp ứng phó với tình trạng xâm nhập mặn.
Tôi đã gắn các định vị dọc trên sông Cổ Chiên và thiết bị trung tâm sẽ chuyển dữ liệu lên các đám mây, từ đó chuyển về điện thoại thông minh kết nối. Bây giờ tôi chỉ cần ngồi trong phòng là có thể ngay lập tức cập nhật độ mặn, dòng chảy của con sông đã gắn thiết bị theo dõi”, ông Mỹ nói.
Khi đầu tư vào nông nghiệp, ông Mỹ mong muốn một đất nước có dân số đông như Việt Nam, cũng như một quốc gia đang chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu sẽ phát triển hơn, thực phẩm ngày càng sạch, khí thải nhà kính giảm, đời sống người dân tốt hơn.
“Tất cả chỉ vì quê hương, đất nước này”, ông Mỹ tâm sự.
Theo vietnamnet.vn