Mùng 1 Tết, dọc quốc lộ 8A đoạn qua các xã Tây Sơn, Sơn Tây (Hương Sơn), xác pháo đỏ và hộp pháo giấy màu trắng nằm rải rác hoặc gom thành đống bên đường và trước cổng nhà dân.
Xáo pháo đỏ ở thị trấn Tây Sơn (Hương Sơn, Hà Tĩnh) sáng mùng 1 Tết. |
Nhiều người dân cho hay, họ mua pháo ở khu vực biên giới về đốt trong đêm giao thừa. "Mỗi dây pháo đỏ dài khoảng 2 m được mua với giá hơn một triệu đồng. Nhiều gia đình bỏ ra hàng chục triệu để mua pháo", một người dân nói.
Bên cạnh xác pháo đỏ, một số pháo tự chế cuốn bằng giấy trắng cũng nổ rải rác ven đường. Theo Chủ tịch UBND thị trấn Tây Sơn Nguyễn Kim Hảo, "đa số là người ở nơi khác tới đốt pháo, nhà chức trách đã bắt được vài trường hợp, ra năm sẽ xử lý".
Ông Võ Văn Phúc, Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn xác nhận trên địa bàn vẫn có tình trạng đốt pháo đêm giao thừa, huyện đang chờ phía công an xác minh để xử lý. "Không riêng trên địa bàn huyện, nhiều địa phương khác trong tỉnh cũng xuất hiện tình trạng đốt pháo", ông Phúc cho biết thêm.
Ở quốc lộ 8A đoạn qua thôn Hà Chua (xã Sơn Tây, Hương Sơn), xác pháo trắng nằm rải rác. |
Năm 1994, trước tình trạng đốt pháo tràn lan làm nhiều người chết và bị thương, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng mỗi năm, Thủ tướng ra chỉ thị từ ngày 1/1/1995 nghiêm cấm sản xuất, buôn bán và đốt các loại pháo nổ, thuốc pháo nổ trong phạm vi cả nước (trừ các loại pháo hoa và thuốc làm pháo hoa). Các tổ chức, cá nhân vi phạm ngoài việc tịch thu tang vật, tiêu hủy pháo và thuốc pháo còn bị phạt tiền.
Đức Hùng - vnexpress.net