Người Việt Odessa
Tin trong nước

Làng chài Khe Gà với hải đăng hơn trăm tuổi ở Bình Thuận

Chủ nhật, 29/01/2017 | 04:59
Hải đăng Kê Gà đối diện làng chài ở huyện Thuận Nam với gần 200 bậc thang xoáy tròn ốc, cao 35 m, được đánh giá cao nhất Đông Nam Á.

Làng Khe Gà ở xã Tân Thành, huyện Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận có tổ tiên là lưu dân gốc ngũ Quảng (miền Trung), làm nghề chài lưới. Quá trình di cư, họ phát hiện khe nước đây và gà rừng tụ lại rất nhiều.

Thấy vùng đất này thuận lợi cho nghề ngư nghiệp, người xưa khai khẩn lập làng để sinh sống. Lúc ban sơ, làng Khe Gà có khoảng 40 nóc nhà, mưu sinh bằng nghề chài lưới. "Do có nhiều gà rừng, nên tổ tiên mới đặt tên làng là Khe Gà, cho dễ nhớ", ông Lâm Hòa Hoàng (64 tuổi), ngư dân ở làng, cho biết.

Làng chài Khe Gà với hải đăng hơn trăm tuổi ở Bình Thuận

Lễ cùng ngư ông của làng Khe Gà, nằm đối diện hải đăng. Ảnh: Tư Huynh.

Để phục vụ phát triển ngành hàng hải trong thời Pháp thuộc, năm 1897 chính quyền bảo hộ đã cho khảo sát vị trí và khởi công xây dựng ngọn hải đăng trên mũi đá nhô ra nằm gần làng chài, nên sau này người dân địa phương quen gọi là Mũi Điện. Qua thời gian, do sự biến đổi của thiên nhiên, lúc triều dâng, Mũi Điện tách biệt khỏi bờ, hình thành nên đảo nhỏ.

Mọi vật liệu để xây hải đăng đều được vận chuyển từ Pháp sang. Sau 2 năm thi công, ngọn hải đăng được hoàn thành. "Mắt biển" Kê Gà với gần 200 bậc thang xoáy tròn ốc, cao đến đỉnh đèn là 35 m, được đánh giá cao nhất Đông Nam Á. "Đèn quét xa đến 22 hải lý, giúp tàu thuyền định hướng khi hoạt động ngoài khơi xa", ông Nguyễn Văn Sáu, Trạm trưởng hải đăng Kê Gà - cho biết.

Thi công ngọn hải đăng tốn lượng nhân công rất lớn. Nhiều người ngoại quốc đến xây hải đăng đã không may bị nạn, tử vong. Họ được chôn cất trong khu đất của vạn chài Văn Phong (thuộc làng Khe Gà), nên phía sau hải đăng có dựng miếu thờ vong linh của những công nhân bị chết. "Dân địa phương, anh em nhà đèn thường xuyên nhang khói cho người đã mất", ông Sáu nói.

Làng chài Khe Gà với hải đăng hơn trăm tuổi ở Bình Thuận

Sắc phong vua Khải Định ban cho vạn Văn Phong, ghi nhớ công lao của thần cá Ông. Ảnh: Tư Huynh

Theo các bô lão địa phương, hải đăng được lấy theo tên của làng chài là "Khe Gà". Tuy nhiên, trong văn bản hành chính của Pháp ghi "Ke Ga" nên dần dần được đọc thành Kê Gà. Dù chữ "Kê Gà" không chuẩn, nhưng dùng quen, nên đến nay trở thành trên gọi chính thức trong văn bản hành chính nhà nước.

Ở làng chài Khe Gà có vạn thờ cá Ông, được xây dựng từ năm 1890, mỗi năm hai lần tổ chức lễ Cầu Ngư (20/1 Âm lịch) và Giỗ Bà (16/4 Âm lịch). Dinh vạn được các cụ xưa đặt tên là Văn Phong. Dân làng Khe Gà rất tin tưởng vào sự linh ứng giúp đỡ của thần cá Ông. 

Chuyện kể, hai cha con lão ngư phủ đánh cá, bị sóng lớn gặp nạn. May mắn, ông lão được cá Ông cứu đưa vào bờ đá. Người làng tin vào sự linh ứng giúp đỡ của thần cá Ông. "Ngôi vạn là nơi anh em làm nghề biển thường lui tới, gắn bó, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn với nhau, đoàn kết tương ái trong mọi hoàn cảnh cuộc sống", ông Diệp Minh Hùng, Trưởng vạn Văn Phong, làng chài Kê Gà nói.

Năm 1924, vua Khải Định ban cho vạn Văn Phong sắc phong ghi nhớ công lao phù trợ của thần cá Ông đối với dân làng.

Làng chài Khe Gà với hải đăng hơn trăm tuổi ở Bình Thuận

Hải đăng Kê Gà đối diện làng chài già Bình Thuận. Ảnh: Tư Huynh

Năm 1972, ở vùng Khe Gà, chiến tranh khá liệt, đây được xem là nơi nguy hiểm buộc người trong làng phải đến vùng Ba Đăng - Tân Hải để sinh sống. Hòa bình được lặp lại, bà con trở về nơi ở cũ và tìm cách khôi phục lại ngôi dinh vạn như ngày trước theo truyền thống ngày trước.

Tư Huynh - vnexpress.net


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN