Người Việt Odessa
Tin trong nước

Cựu binh 20 năm giữ rừng dưới chân núi Hoành Sơn

Thứ sáu, 27/01/2017 | 01:26
Rời quân ngũ trở về địa phương, chứng kiến cảnh lâm tặc biến cánh rừng quê hương thành đất trống đồi trọc, người cựu binh quyết tâm trả lại màu xanh cho rừng.

Trong lán trại nhỏ nằm khuất dưới bìa rừng, ông Nguyễn Tiến Vít (68 tuổi) nhớ về những ngày đầu lên khai hoang, bảo vệ rừng cách đây 20 năm.

Lúc bấy giờ, khu rừng nguyên sinh rộng hàng chục hécta phía Tây Nam (xã Kỳ Thượng, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) hoang sơ, cằn cỗi, cây cối bị chặt hạ hoặc khai thác cạn kiệt để chuyển đổi sang trồng cây công nghiệp ngắn ngày. 

Vừa rời quân ngũ trở về địa phương, chứng kiến cảnh rừng xưa đang từng ngày bị "bức tử", nguy cơ biến thành đất trống đồi trọc, người cựu binh mang trong lòng nỗi buồn man mác. Nhiều đêm ông trằn trọc thức trắng với suy nghĩ "phải làm sao và bằng cách nào đó để cánh rừng trở nên xanh tốt như xưa".

"Từ nhỏ tôi đã gắn bó máu thịt với những cánh rừng ở dưới chân núi Hoành Sơn. Lớn lên đi bộ đội rồi về hưu cũng chỉ mong muốn được trở về quê hương, dốc toàn tâm lực đầu tư mở rộng, phát triển thêm diện tích rừng", người đàn ông có dáng thấp đậm, nước da ngăm đen, nụ cười luôn thường trực trên môi tâm sự.

Cựu binh 20 năm giữ rừng dưới chân núi Hoành Sơn

Cựu binh Nguyễn Tiến Vít. Ảnh: Đức Hùng

Một thời gian sau, ông Vít bàn tính với gia đình, viết đơn xin chính quyền xã và Hạt kiểm lâm huyện Kỳ Anh đứng ra nhận khoán hơn 40 hécta đất rừng (trong đó có 10 hécta rừng tự nhiên). Người cựu binh tự bỏ nguồn kinh phí đắp đập Hốc Sim, triển khai quy hoạch khoanh vùng trồng và bảo vệ rừng.

Ngày ấy, nhiều người cho rằng ông rảnh việc và "khùng", họ bảo đó là những cánh rừng hoang, có mất "hàng trăm năm sau cũng khó lòng cải tạo được". Không nản lòng, ông Vít bắt đầu thực hiện kế hoạch bằng cách giữ lại những gốc gỗ bị người dân đốn hạ, chăm sóc để cây phát triển, đồng thời trồng xen kẽ thêm một số cây con mới.

Cựu binh cho hay, ngày xưa khi ông lên đây, lâm tặc ghen ghét và nảy sinh lòng thù hận vì có người bảo vệ rừng thì khó khai thác thêm gỗ. "Có hôm, biết hai vợ chồng tôi ngủ trong lán trại, chúng phục kích ném đá. Tôi biết một mình không thể chống lại 4 đến 5 tên lâm tặc, nên đã thực hiện kế nghi binh, trốn vào một chỗ khác rồi quát tháo khiến chúng sợ hãi bỏ chạy", ông Vít kể.

Sau khi chính quyền nắm bắt tên tuổi những người thường xuyên phá rừng, ông Vít đến tận nhà, trao cưa và những vật dụng nhặt được ở rừng cho họ, khuyên nên lo làm ăn, tăng gia sản xuất thay vì phá rừng, bởi cứ phá mãi thì rừng sẽ cạn kiệt và "lá phổi xanh" không còn. Nhiều người nghe lời ông, không lâu sau họ bỏ nghề lâm tặc.

Nhà ông Vít có 5 người con, gia cảnh khó khăn do chỉ dựa vào đồng lương hưu ít ỏi của cựu binh. Vợ chồng ông dành nhiều thời gian cho cánh rừng, thỉnh thoảng phân chia nhau về chăm sóc các con. Để có thêm tiền nuôi con ăn học, ông Vít cải tạo đất xung quanh bìa rừng, đào ao thả cá, nuôi gà, trồng thêm ít cây hoa quả.

Các con lo lắng ông sống giữa núi rừng, suy giảm sức khỏe, ông gạt phăng, bởi "ngày xưa chinh chiến bao năm, khổ cực gấp bội còn chịu được, bây giờ gió rét đại ngàn một chút có hề chi". Tới nay, 5 người con trai của ông Vít đều đã lớn, lập gia đình và có cuộc sống ổn định.

Cựu binh 20 năm giữ rừng dưới chân núi Hoành Sơn

Những cánh rừng dưới chân núi Hoành Sơn trở nên xanh mướt dưới bàn tay chăm sóc của người cựu binh 68 tuổi. Ảnh: Đức Hùng

Sống trong rừng thiếu tốn tiện nghi, ban đầu ông Vít dùng đèn dầu, lấy nước ở khe sinh hoạt. Sau này ông kéo điện, đào giếng, cuộc sống không còn "nguyên thủy" như hồi mới lên núi.

Qua nhiều năm thăng trầm, nay khu rừng rộng khoảng 40 hécta dưới chân núi Hoành Sơn bao phủ bởi một màu xanh với nhiều loại cây gỗ quý hiếm như lim, táu, sến, dẻ đỏ, có cây cao 40 m, đường kính 40 cm đến 50 cm. 

Người cựu binh 68 tuổi tâm sự, ông bảo vệ rừng chứ không hề có ý định khai thác gỗ trong rừng, ngược lại ông còn biến những khu đất trống "đẻ ra tiền". Hiện dưới bìa rừng ông có 4 ao cá, hơn 300 gốc cam, bưởi, mỗi năm mang lại thu nhập khoảng vài chục triệu đồng.

Đứng từ trên núi cao nhìn xuống những cánh rừng xanh, ông Vít ước mong trời luôn cho mình sức khỏe để tiếp tục làm người giữ rừng, phát triển kinh tế làm giàu cho quê hương.

"Khu rừng dưới chân núi Hoành Sơn có vị thế rất đẹp, xung quanh có dòng suối chảy róc rách. Tôi ước mong một ngày nào đó có thể biến nơi đây thành một khu du lịch sinh thái để mọi người có thể tới thưởng ngoạn, ngắm cảnh", ông Vít chia sẻ.

Ông Vũ Trung Tiến, Chủ tịch UBND xã Kỳ Thượng đánh giá cựu binh Nguyễn Tiến Vít là một người năng nổ, nhiệt tình, luôn có ý thức "mình vì mọi người". "Ông Vít luôn đau đáu cho sự phát triển của quê hương, mang nặng một tình yêu bao la đối với núi rừng, nguyện gắn bó với màu xanh của cây, màu xám của đất", ông Tiến nói.

Theo vnexpress.net


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN