Ngày 19/1, Văn phòng Chính phủ cho hay Phó thủ tướng Vũ Đức Đam vừa yêu cầu các bộ ngành đẩy nhanh hơn nữa việc triển khai dịch vụ công trực tuyến - một nhiệm vụ đã được đề ra tại Nghị quyết 36a về Chính phủ điện tử.
Theo Nghị quyết này, các bộ ngành cần tập trung đổi mới, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước, nhất là việc giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với những lĩnh vực bức thiết, liên quan đến người dân và doanh nghiệp. Từng bước triển khai các hệ thống thông tin quốc gia về dân cư, đất đai - xây dựng, doanh nghiệp...
Liên quan đến nội dung trên, Hội Tin học Việt Nam ước tính nếu xử lý được tình trạng trùng lặp thủ tục hành chính ở cấp trung ương và địa phương qua chuẩn hóa tên gọi, quy trình, hồ sơ, biểu mẫu, thống nhất giữa các cấp, thì số lượng hơn 136.000 thủ tục hành chính, tính đến đầu tháng 1/2017, sẽ giảm được phân nửa.
Đồng tình với nhận định của Hội Tin học Việt Nam, Phó thủ tướng yêu cầu các bộ ngành tham khảo kinh nghiệm những nước có dịch vụ công trực tuyến phát triển như Pháp, Singapore.
Ông lưu ý các dịch vụ công trực tuyến cần làm từ hai mũi. Thứ nhất là những dịch vụ liên quan đến đông người dân, thường mất nhiều thời gian và phức tạp. Thứ hai là những dịch vụ có thể làm nhanh, không quá phức tạp. Đồng thời các bộ nên lựa chọn một số địa phương thực hiện tốt dịch vụ công trực tuyến để tập trung làm thống nhất, nhân rộng ra cả nước.
Từ kinh nghiệm thuê dịch vụ công nghệ thông tin trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp phép xây dựng ở Bộ Xây dựng, Phó thủ tướng gợi ý các bộ ngành cần xem xét làm trước những dịch vụ có thu phí hoặc những dịch vụ mà nhờ ứng dụng CNTT đã tiết kiệm được kinh phí để trả cho doanh nghiệp.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các bộ ngành định kỳ cung cấp số liệu liên quan đến Chính phủ điện tử cho các tổ chức quốc tế. Ảnh: VGP |
Phó thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành thống nhất đầu mối, đồng bộ số liệu liên quan đến Chính phủ điện tử để định kỳ cung cấp cho Liên Hợp Quốc (LHQ) và các tổ chức quốc tế.
Theo bảng xếp hạng Chính phủ điện tử do LHQ công bố năm 2016, Việt Nam đứng thứ 89/193 nước, trong đó 3 nhóm chỉ số thành phần gồm dịch vụ công trực tuyến đứng thứ 74; hạ tầng viễn thông thứ 110; hạ tầng nhân lực thứ 127.
Tuy nhiên, qua báo cáo của các bộ ngành Việt Nam cho thấy, có rất nhiều số liệu sử dụng để tính toán trong bảng xếp hạng Chính phủ của LHQ không được cập nhật hoặc không được cung cấp. Cụ thể như trong nhóm chỉ số hạ tầng nhân lực không có 2 chỉ tiêu là số năm đi học kỳ vọng của trẻ em, số năm đi học trung bình của người lớn. Lý do là hiện ngành giáo dục không có số liệu công bố, mặc dù báo cáo Chính phủ điện tử đã sử dụng chỉ số này từ năm 2014.
Tương tự, trong chỉ số hạ tầng viễn thông, nhiều số liệu về tỷ lệ người sử dụng internet, số thuê bao điện thoại cố định/100 dân, thuê bao di động/100 dân, tỷ lệ băng rộng không dây, băng rộng cố định…, thực tế Việt Nam đều cao hơn những số liệu được sử dụng trong bảng xếp hạng của LHQ.
Phó thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan khẩn trương khắc phục tình trạng trên, với tinh thần việc gì Việt Nam làm tốt, nhưng dữ liệu cung cấp không chính xác thì phải chấn chỉnh ngay. Những chỉ số nào đã cung cấp đúng dữ liệu mà Việt Nam vẫn ở thứ hạng thấp thì cơ quan chức năng cần có biện pháp cải thiện mạnh mẽ.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Diễn đàn thanh toán điện tử Việt Nam 2016. |
Theo Phó thủ tướng, các xếp hạng quốc tế liên quan trực tiếp đến năng lực cạnh tranh quốc gia, môi trường kinh doanh, Chính phủ điện tử, đổi mới sáng tạo là những lĩnh vực Chính phủ, Thủ tướng rất quan tâm.
Đây không chỉ là "cuộc đua" hình thức, xếp hạng đơn thuần trong so sánh với các nước mà liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp, đến tín nhiệm của quốc gia trong thu hút đầu tư, cạnh tranh của nền kinh tế, trong đàm phán các cam kết thương mại quốc tế. Tín nhiệm quốc tế cao thì chi phí vốn của cả quốc gia và doanh nghiệp đều giảm.
Báo cáo Chính phủ điện tử 2016 của LHQ cho thấy những xu thế chính của Chính phủ điện tử trên thế giới là tích hợp và liên thông các dịch vụ công trực tuyến; dữ liệu mở; sự tham gia của người dân vào quản lý điều hành của cơ quan công quyền và các công nghệ số, đặc biệt là các công nghệ di động. Mạng xã hội ngày càng trở thành phương tiện giao tiếp hiệu quả giữa cơ quan công quyền và người dân. |
Theo vnexpress.net