Thứ trưởng Giao thông Nguyễn Hồng Trường cho biết Bộ đã đưa ra lộ trình xây dựng các đoạn tuyến nhằm nối thông cao tốc Bắc Nam. Theo đó, với chiều dài 1.376km, tuyến cao tốc được chia ra 20 dự án thành phần để kêu gọi đầu tư bằng hình thức đối tác công - tư (PPP).
Về nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, Chính phủ đã quyết định dành hơn 40.000 tỷ đồng (đợt một) để đối ứng cho dự án. Bộ Giao thông cũng đã xây dựng và trình Thủ tướng các cơ chế, chính sách cho dự án cao tốc Bắc - Nam. Sau khi Thủ tướng phê duyệt quy chế, Bộ sẽ tập trung triển khai các công việc tiếp theo.
Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh: Xuân Hoa |
Theo lãnh đạo Bộ Giao thông, toàn tuyến cao tốc nêu trên dự kiến hoàn thành vào năm 2021, trong đó năm nay sẽ khởi công một số đoạn quan trọng như Ninh Bình - Thanh Hóa - Vinh, Dầu Giây - Phan Thiết, Quảng Ngãi - Quy Nhơn…
Ngoài ra, trong năm 2017, Bộ Giao thông sẽ chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để Chính phủ sớm trình Quốc hội chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, hoàn thiện các thủ tục cần thiết để khởi công xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Bộ Giao thông Vận tải vừa trình Chính phủ đề án đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đến năm 2020, dài 1.372km với tổng mức đầu tư 229.829 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách chiếm khoảng 40%, còn lại là vốn nhà đầu tư huy động. Theo tờ trình, tuyến đường thiết kế tốc độ 100 - 120 km/h; các đoạn qua khu vực có điều kiện địa hình khó khăn sẽ đạt tốc độ thiết kế 60 - 80 km/h. Với chiều dài 1.372 km, đề án phân chia thành 20 dự án thành phần, mỗi dự án được khai thác độc lập, phù hợp với khả năng huy động theo hình thức PPP (hợp tác công tư) có sự tham gia hỗ trợ của Nhà nước, thời gian thu phí nhỏ hơn 25 năm. |
Theo vnexpress.net