Ngày 8/1, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch cùng Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà đã đến kiểm tra dự án xử lý chất độc hóa học/dioxin tại sân bay Đà Nẵng.
Hai Bộ trưởng nghe báo báo về dự án. Ảnh: N.T. |
Báo cáo với hai Bộ trưởng, thiếu tướng Bùi Anh Chung, Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân (chủ đầu tư dự án) cho biết sân bay Đà Nẵng có khoảng 148.000 m3 đất, trầm tích nhiễm dioxin. Từ tháng 6/2011, dự án xử lý môi trường nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng do Chính phủ Mỹ tài trợ đã được khởi công. Đến nay, 45.000 m3 đất nhiễm dioxin đã được làm sạch.
19 ha đất đã được giải phóng, trong đó gần 6 ha bàn giao cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam xây dựng mở rộng sân bay quốc tế Đà Nẵng phục vụ APEC 2017. Giai đoạn 2 của dự án đang được triển khai, tiếp tục xử lý thêm 45.000 m3 đất nhiễm dioxin tại điểm "nóng" về chất độc hóa học do Mỹ gây ra trong chiến tranh tại Việt Nam.
Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà đánh giá cao nỗ lực và những kết quả tích cực trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh cũng như thực hiện các dự án xử lý dioxin của Chính phủ Mỹ. Ông cho biết ngoài khối lượng đất nhiễm dioxin ở sân bay Đà Nẵng đã được làm sạch, đến nay 7.500 m3 đất ô nhiễm dioxin tại sân bay Phù Cát (Bình Định) cũng được cô lập, chôn lấp.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Hà, vấn đề khắc phục ô nhiễm dioxin tại Việt Nam vẫn là một thách thức. Ông dẫn chứng dự án xử lý dioxin tại sân bay Đà Nẵng phải kéo dài đến năm 2018, do khối lượng đất và trầm tích nhiễm dioxin tăng gấp đôi so với dự kiến ban đầu; báo cáo môi trường tại sân bay Biên Hòa đã hoàn thành nhưng việc xây dựng kế hoạch xử lý tổng thể, khả thi để triển khai gặp nhiều khó khăn do chưa rõ nguồn lực và lựa chọn công nghệ...
Khu xử lý đất và trầm tích nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng. Ảnh: Ngọc Trường. |
Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cho biết Chính phủ đánh giá giá cao những kết quả đạt được trong việc khoanh vùng, xử lý bước đầu một số điểm nóng tồn dư chất độc hóa học. Nhưng đó mới chỉ là một phần nhỏ khối lượng đất nhiễm chất độc dioxin ở Việt Nam. "Chúng ta phải lo cho nhân dân ở các vùng này yên tâm sống và làm việc, phải có đất xanh phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng", Đại tướng nói.
Bộ trưởng Lịch cho rằng, ngoài nguồn vốn tài trợ của nước ngoài, cần tranh thủ nguồn lực trong nước để đẩy nhanh tiến độ các dự án. Ông chỉ đạo các lực lượng quân đội nhanh chóng lập kế hoạch và xử lý triệt để chất độc hóa học tại sân bay Biên Hòa (Đồng Nai) và Phù Cát (Bình Định), cũng như tính đến các dự án khác.
Dự án xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng đã xây một mố lớn, lót kín. Đất được đưa vào mố, phủ bê tông để nung bằng nhiệt. Các thanh nhiệt hoạt động ở 750 - 800 độ C và cho phép mố được nung nóng 225 độ C. Khí độc sẽ thoát ra ngoài qua ống xả kín, lọc qua nước trước khi thải ra môi trường, trả lại đất sạch. |
Theo vnexpress.net