Người Việt Odessa
Tin trong nước

Bảo vật quốc gia 1.200 tuổi ở Sài Gòn

Chủ nhật, 08/01/2017 | 03:27
Từng được bảo hiểm đến 5 triệu USD khi trưng bày, tượng Phật Thích Ca Mâu Ni được phát hiện ở Quảng Nam và do nghệ nhân Chăm Pa cổ chế tác.

Tại bảo tàng lịch sử TP HCM, tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni bằng đồng thau được bảo quản rất cẩn thận. Đây là một trong 30 bảo vật quốc gia được chính phủ công nhận đợt đầu tiên (năm 2012).

Tượng được một người Pháp phát hiện năm 1911 tại làng Đồng Dương, xã Bình Định, huyện Thăng Bình (Quảng Nam) nên có tên khác là tượng Phật Đồng Dương.

Bảo vật quốc gia 1.200 tuổi ở Sài Gòn

Tượng Phật Đồng Dương đang được lưu giữ tại Sài Gòn. Ảnh: Tư liệu

Pho tượng cao 120 cm, nặng 120 kg, chỗ rộng nhất dài 38 cm, vị trí dày nhất cũng 38 cm. Bức tượng là hình ảnh Đức Phật đứng thuyết pháp trên bệ tròn 2 tầng có cánh sen xung quanh. Tóc trên đỉnh đầu được bới từng vòng, quăn hình ốc. 

Khuôn mặt Đức Phật tròn đầy đặn, đôi tai dài và mắt sâu, cổ ba ngấn. Vai phải để trần, áo từ vai trái rũ xuống theo kiểu nam thần Yaksha, thân dưới mặc Antariya dài tới mắt cá chân.

Khi phát hiện, các nhà khảo cổ học ở Trường Viễn Đông Bác Cổ và Hội Nghiên cứu Đông Dương đánh giá tượng Phật Đồng Dương có hình dáng hài hòa, kỹ thuật tạo y phục tinh tế làm toát lên vẻ uy nghiêm và là một trong những pho tượng Phật cổ thuộc hàng đẹp nhất Đông Nam Á thời bấy giờ.

Họ nhận định tượng Phật Đồng Dương giống các tượng Phật của Amaradhapura (nước Sri Lanka), từ đó suy đoán bức tượng có niên đại khoảng thế kỷ III - IV, được mang về từ Ấn Độ hoặc Sri Lanka. Nhưng nhiều nhà khảo cổ nghiêng về khả năng là tượng do người Chăm xưa làm nên.

Hiện, các nhà nghiên cứu xác định bức tượng có niên đại vào khoảng thế kỷ VIII - IX. Thời kỳ này vương quốc Chăm Pa cùng nền Phật giáo phát triển hưng thịnh nhất.

Bảo vật quốc gia 1.200 tuổi ở Sài Gòn

Tượng phật là bảo vật quốc gia được công nhận lần đầu tiên. Ảnh: Tư liệu

Ngoài thiết kế tinh xảo, tượng Phật còn hội tụ 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp tùy hảo trong quan niệm của đạo Phật. Một trong các tướng tốt là bàn chân Phật chấm sát đất, khít với mặt phẳng đến cây kim cũng không luồn qua được.

Diệu tướng thứ 17 của nhà Phật cũng thể hiện ở hai tay, chân, mắt. Giữa cổ có khắc 3 ngấn chìm gộp lại thành "7 chỗ đầy đặn". Điểm đặc biệt nữa của pho tượng cổ là phần nổi trên đỉnh đầu, đây là tướng "nhục kế" trong Phật giáo.

Tượng Phật Đồng Dương đã được đưa đi trưng bày ở nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Pháp, Bỉ… Trong triển lãm cổ vật Đông Nam Á tại Bảo tàng Guimet ở Paris (Pháp), tượng được mua bảo hiểm 5 triệu đôla. Đây là mức giá bảo hiểm cao nhất cho một pho tượng của Việt Nam trưng bày tại nước ngoài.

Bảo vật quốc gia 1.200 tuổi ở Sài Gòn

Nơi phát hiện tượng Phật Đồng Dương năm 1902 và hiện tại. Ảnh: Tư liệu

Sau khi phát hiện tại Quảng Nam, tượng Phật được đưa ra bảo quản ở Hà Nội. Đến năm 1954, tượng được đưa vào Sài Gòn cho đến ngày nay.

Làng Đồng Dương nơi tìm ra pho tượng vốn là Phật viện lớn nhất của người Chăm xưa. Khu vực này hiện xuống cấp nghiêm trọng do sự tàn phá của chiến tranh và cả con người.

Theo các nhà nghiên cứu, Phật giáo du nhập vào Chăm Pa từ trước công nguyên thông qua những nhà buôn Ấn Độ. Họ vừa trao đổi văn hóa đồng thời truyền đạo Phật vào vùng đất giàu về trầm hương và vàng này.

Ngoài tượng Phật Thích Ca Mâu Ni, năm 1978, người dân còn đào được tại Đồng Dương tượng Bồ tát Laskmindra – Lokesvara. Tượng đúc bằng đồng thau, cao 1,14 m, trước kia được đặt trên bệ thờ của đền thờ chính. Tượng này sau đó cũng được công nhận là bảo vật quốc gia

Sơn Hòa - vnexpress.net


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN