Hai tháng sau khi chuyển địa bàn công tác về khu vực Thanh Đa, 6 nhân viên Đội điều tiết, khống chế, đảm bảo giao thông đường thủy (Cảng vụ đường thủy nội địa TP HCM) hằng ngày vẫn căng mắt vừa làm nhiệm vụ, vừa nghe ngóng để cứu người nhảy sông.
Chỉ tay vào những dòng ghi chép vội trong tờ giấy nhỏ, anh Trần Hiếu Thảo (tổ trưởng đội điều tiết đại diện số 7) cho biết, hơn năm nay đội đã cứu được 4 người nhảy cầu tự tử dưới chân cầu Sài Gòn.
Anh Trần Hiếu Thảo (trái) và đồng nghiệp đang làm nhiệm vụ. Ảnh: Mạnh Tùng |
Gần 22h một ngày đầu tháng 2, khi mọi người chuẩn bị nghỉ ngơi thì nghe tiếng la ó của nhiều người trên cầu. Anh em trong đội chạy ra, thấy ở giữa sông nổi lên chiếc áo gió phập phồng dưới ánh đèn mờ. Anh Thảo vội cùng anh Huỳnh Minh Đức (33 tuổi, nhân viên của tổ) lên canô nổ máy chạy ra giữa sông.
Tới nơi, anh Đức nhảy xuống kéo người này lên canô rồi đưa vào bờ sơ cứu. "Trước khi nhảy cầu cậu này lấy dây buộc chân, cũng may mặc áo gió nên nó phồng lên, người mới nổi. Trong balô có thư tuyệt mệnh, được bọc trong túi nhựa kỹ lưỡng", anh Thảo kể.
Xức dầu, xoa bóp một hồi thanh niên 20 tuổi tỉnh lại, khóc nức nở đòi chết vì chuyện buồn gia đình. "Tôi nói em còn quá trẻ, đời còn dài phía trước, chuyện gì cũng có thể giải quyết được thì mắc gì tìm đến cái chết", anh Thảo kể và cho biết phải khuyên nhủ hồi lâu cậu ta mới bình tâm.
Hồi giữa năm, anh em đội điều tiết cũng cứu được người đàn ông nhảy cầu vì mắc bệnh nan y. Đang giờ nghỉ trưa, anh em phát hiện ông này đứng trên cầu Sài Gòn với bộ dạng sắp nhảy xuống liền nổ máy canô ra giữa sông, vừa chạy vừa la lên để can ngăn nhưng không kịp.
Dòng nước khi đó chảy khá mạnh, anh em quăng phao thì người này không chịu lấy rồi chìm từ từ xuống sông. Anh Thảo tăng tốc canô đến sát nạn nhân để một đồng đội nhảy xuống ôm người này đưa lên bờ. "Lúc tỉnh ổng khóc ngon lành rồi trách mình sao lại cứu làm gì. Thật tình anh em tụi tôi bối rối lắm, tìm cách khuyên về nhà với người thân", người tổ trưởng nói.
Nam thanh niên nhảy sông tự tự được đội điều tiết cứu sống. Ảnh: Đ.A.N |
Nhận nhiệm vụ điều tiết giao thông đường thủy cho các công trình đang xây dựng ở cầu Sài Gòn từ năm 2012 đến nay, việc cứu người nhảy sông trở thành cái duyên không mong muốn nhưng cứ gắn với các anh.
"Anh em tự nhủ đó là trách nhiệm và lúc nào cũng làm hết mình", anh Thảo nói, ánh mắt đượm buồn khi nhớ về những trường hợp không cứu được người nhảy cầu vì lực bất tòng tâm.
Có đêm hơn 23h, anh em nghe tiếng kêu la khi có người nhảy cầu liền chạy canô ra cứu. Gặp ngày nước lớn, dòng sông chảy xiết nên chưa đến nơi thì nạn nhân đã chìm và trôi mất. Họ chia nhau ra tìm mọi ngóc ngách bờ sông đều vô vọng. Hơn một tuần sau mới tìm thấy xác, người nhà khóc than thảm thiết khi nhận thi thể nạn nhân. "Mỗi lần như vậy anh em đau lắm mà không biết làm gì hơn", anh Thảo chia sẻ.
Công tác ở đội điều tiết đường thủy hơn 10 năm nay, anh không nhớ hết bao nhiêu lần cùng đồng nghiệp phát hiện xác chết trôi. Trong đó có người trước khi nhảy sông đeo balô chứa gạch, đá. Nhiều thi thể đã phân hủy, anh em phải khéo léo buộc dây rồi dùng canô kéo vào bờ giao cho cơ quan chức năng.
Đội điều tiết vớt xác trôi sông Sài Gòn. Ảnh: Đ.A.N |
Ngoài những niềm vui khi cứu được người, có lần anh em đội điều tiết bị hiểu lầm, bị la mắng khi làm việc thiện.
Đặng Anh Nhật (25 tuổi, nhân viên điều tiết) kể, một đêm giữa tháng 9 đã cùng kíp trực lao ra cứu người đàn ông 40 tuổi nhảy cầu. Trong lúc đó, người phụ nữ trên bờ sông la ó: "Sao không để cha đó chết đi, cứu làm gì".
Sau một hồi giằng co với nạn nhân vì người này vùng vẫy bất hợp tác, Nhật cũng đưa được ông ta lên bờ. Khi đó, người nhà của nạn nhân xông vào đòi đánh các anh vì tưởng họ "theo phe bà kia". Khi được nhiều nhân chứng giải oan, người nhà hiểu ra và xin lỗi.
Tính mạng người đuối nước được tính từng phút, không đến nhanh nạn nhân sẽ chìm. Vì đội có các tổ trực 24/24 nên lúc nào cũng trong tư thế sẵn sàng. Nhật kể, có lần phát hiện người nhảy sông thì canô gặp sự cố không nổ máy. Cả đội quýnh quáng xúm vào sửa, may thay máy nổ ngay sau đó và họ kịp đến chỗ nạn nhân cứu lên bờ.
Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa TP HCM Ngô Đình Quang cho biết, đơn vị luôn khuyến khích anh em hễ thấy người gặp nạn trên sông phải tổ chức ngay phương án cứu người. Để việc này hiệu quả hơn, các nhân viên được tập huấn về sơ cấp cứu nạn nhân đuối nước và xây dựng thành một quy trình.
"Hành động đẹp của Đội điều tiết giao thông đường thủy được mọi người trong cơ quan khen ngợi và noi theo", ông Quang nói và cho biết mới đây anh Huỳnh Minh Đức (nhân viên điều tiết) được UBND TP HCM tuyên dương là một trong những "tấm gương thầm lặng cao cả" phong trào thi đua yêu nước.
Mạnh Tùng - vnexpress.net