Tại tọa đàm về "Văn hóa giao thông - trách nhiệm thuộc về ai?" ngày 28/12, ông Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp) cho rằng người lái ôtô vẫn giữ thói quen đi xe máy nên thường luồn lách mà không đi theo làn ôtô. Mặt khác, do thiếu phân làn dành cho ôtô, xe máy nên các phương tiện thoải mái chen nhau.
"Đi xe máy lên vỉa hè để ra khỏi đám ùn tắc, xử lý nhanh thì thoát nhanh, còn trông chờ phân luồng tuyến thì càng tắc. Nếu anh ứng xử có văn hóa tại vị trí đó có thể bị cộng đồng phản đối", ông Sơn nói.
Theo ông Lê Hồng Sơn, nhìn chung hệ thống pháp luật về trật tự an toàn giao thông đã hoàn thiện, chỉ còn một số hạt sạn như quy định phạt đèn đỏ, đèn vàng như nhau, phạt xe không chính chủ, trang bị bình chữa cháy... Vấn đề là thực thi của lực lượng kiểm soát giao thông có nghiêm túc thì người vi phạm mới chấp hành quy định. Hiện người dân vi phạm tương đối phổ biến vì được lợi từ vi phạm mà không phải trả giá.
"Nhiều người cho rằng có không ít cảnh sát giao thông tham nhũng, cưa đôi tiền với người vi phạm. Nếu phát hiện cảnh sát có biểu hiện đó phải đuổi ngay ra khỏi ngành, không cần biện hộ", ông Sơn đề xuất.
Các phương tiện đi lại lộn xộn trên đường phố Hà Nội. Ảnh: Xuân Hoa |
Ông Phạm Quang Vinh, đại diện một doanh nghiệp vận tải, phân tích: "Tại sao một người nước ngoài sang Việt Nam thì đi kiểu người Việt, còn người Việt ra nước ngoài thì lái xe theo nước sở tại? Đó là do hệ thống pháp lý, cách hành xử của cảnh sát và hạ tầng giao thông đã tác động đến người tham gia giao thông".
Theo ông Vinh, vấn đề lớn nhất của giao thông Hà Nội không phải trên hạ tầng đường sá mà là thói quen của người dân. Chỉ cần người ta có thói quen tốt thì sẽ ứng xử tốt. Ví dụ, phải xóa bỏ cách suy nghĩ xin vượt trên cao tốc. Ở nước ngoài, các xe luôn bình đẳng, xe tốc độ phải có ý thức đi vào làn trong phù hợp.
Ông Nguyễn Mạnh Thắng, đại diện diễn đàn Otofun, cho rằng văn hóa giao thông tạo nên từ các thói quen, ý thức. Muốn tạo thói quen cần có hướng dẫn chi tiết, đúng luật, song thực tế trên đường phố Hà Nội có nhiều biển báo giao thông, vạch kẻ đường không đạt chuẩn. Ngoài ra, cần tuyên truyền cụ thể từ cách phương tiện đi đúng làn, xe thô sơ đi vào làn bên phải thay vì len lỏi vào làn ôtô.
Chia sẻ ý kiến của các đại biểu về những bất cập liên quan đến biển báo giao thông, Thứ trưởng Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ khẳng định, hai năm qua, ngành đã thay thế gần 2.000 biển báo hiệu, đồng thời rà soát, cập nhật các biển chỉ dẫn, biển báo không rõ ràng hoặc không đúng vị trí.
Theo Thứ trưởng Thọ, văn hóa giao thông cần hình thành từ ý thức của mỗi người, như trên hành lang đi bộ thấy có người đi thì xe phải dừng để nhường đường. "Có thể thấy một người Việt Nam ra nước ngoài sẽ ít khi vứt rác, khạc nhổ, hút thuốc lung tung do nước sở tại có quy định chặt chẽ", ông Thọ nói và nhận xét là nước đang phát triển, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện quy định, siết chặt kỷ cương, quy hoạch đô thị, tổ chức giao thông...
Theo vnexpress.net