Người Việt Odessa
Tin trong nước

Cục chống tham nhũng: Cần xác minh tài sản cán bộ trước khi bổ nhiệm

Thứ sáu, 09/12/2016 | 01:40
10 năm qua thiệt hại do các vụ án, vụ việc tham nhũng được phát hiện gần 60.000 tỉ đồng, cơ quan chức năng thu hồi gần 10%.

Tại Hội nghị đánh giá thực thi công ước của Liên hợp quốc về "chống tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng", ông Ngô Mạnh Hùng (Phó cục trưởng chống tham nhũng, Thanh Tra Chính Phủ) cho biết việc thu hồi tài sản tham nhũng đã tăng gần 10% trong 10 năm qua.

"Đây là tín hiệu tích cực, thể hiện nỗ lực chống tham nhũng của nhiều cơ quan", ông Hùng nhấn mạnh.

Cục chống tham nhũng: Cần xác minh tài sản cán bộ trước khi bổ nhiệm

Ông Ngô Mạnh Hùng, Cục phó chống tham nhũng, Thanh Tra Chính Phủ. Ảnh: Bá Đô

Theo ông Hùng, việc thu hồi tài sản tham nhũng lâu nay gặp khó khăn, do phải thực hiện qua kênh duy nhất là truy tố, xét xử, có bản án, sau đó mới kê biên tài sản. "Thực tế này khiến tội phạm tham nhũng có thời gian tẩu tán tài sản", ông Hùng nói và ví von thêm "thu hồi tài sản tham nhũng mà để lâu thì rất khó, cũng như một người làm đổ nước xuống đất, để càng lâu nước càng thấm xuống dưới, khó thu lại".

Ông Hùng cho biết, có những vụ án mà hành vi tham nhũng đã thực hiện nhiều năm trước, đối tượng thay đổi nơi công tác, số tiền tham nhũng đã sử dụng các mục đích khác nhau, tiêu xài cá nhân hoang phí nên đến khi có xét xử, rõ bản án thì tài sản không còn.

Trong thời gian tới, để tăng khả năng thu hồi tài sản tham nhũng, ngăn chặn các trường hợp tham nhũng tẩu tán tài sản ra nước ngoài, lãnh đạo Cục chống tham nhũng đề xuất tăng thẩm quyền cho lực lượng chức năng trong việc xác minh, xử lý các cán bộ, công chức ở cấp lãnh đạo trong kê khai tài sản. "Kể cả với các lãnh đạo nguồn, nghĩa là những người chuẩn bị được đề bạt, bổ nhiệm càng phải xác minh rõ ràng", ông Hùng nêu quan điểm.

Lãnh đạo Cục chống tham nhũng cũng đề nghị đẩy mạnh ký kết hiệp định tương trợ tư pháp với các nước, có cơ chế khuyến khích thu hồi tài sản tham nhũng bằng giảm án, miễn án tử hình. Ví dụ, trong quá trình điều tra các vụ án, nếu đối tượng thành khẩn khai báo, nộp 3/4 số tài sản tham nhũng thì có thể miễn thi hành án...

Đồng tình với đề xuất của đại diện Thanh Tra Chính Phủ, ông Shervin Majlessi (Cố vấn pháp luật cao cấp của Ngân Hàng Thế giới) cho hay theo kinh nghiệm quốc tế thì nỗ lực thu hồi tài sản tham nhũng thông qua quy trình truyền thống, nghĩa là qua  kênh tố tụng, theo phán quyết của tòa án thường ít mang lại hiệu quả. Do vậy nhiều nước đã lựa chọn cách thức "truy tìm tài sản phạm tội ngay khi chưa có bản án", tuy nhiên để thực hiện điều này thì phải xây dựng cơ chế cụ thể.

Theo cố vấn pháp luật của Ngân Hàng Thế giới, một số nước đã tịch thu tài sản tham nhũng bằng các biện pháp hành chính, đơn cử với hàng hóa, tài sản đi qua hải quan, khi phát hiện dấu hiệu bất minh thì sử dụng các kênh hành chính để tịch thu...

Ông Francesco Checchi (Cố vấn về phòng, chống tham nhũng của Liên Hợp quốc) cho hay, hiện số tiền tham nhũng, hối lộ trên thế giới vào khoảng 2,6 nghìn tỷ USD, lớn gấp 10 lần so với thiệt hại do các cú sốc tự nhiên gây ra.

Theo số liệu của Thanh Tra Chính Phủ, 10 năm qua thiệt hại do các vụ án, vụ việc tham nhũng được phát hiện gần 60.000 tỉ đồng và trên 400 ha đất. Đến nay số tiền đã thu hồi cho nhà nước là gần 5.000 tỉ đồng và hơn 200 ha đất. 

Theo vnexpress.net


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN