Mở đầu phiên thảo luận, đại biểu Phạm Văn Tuân (Đoàn ĐBQH Thái Bình) cho rằng, quy định về quản lý nhà nước trong dự thảo Luật Quy hoạch còn chung chung, tính khả thi không cao. Trong khi đó, một số nội dung không cần thiết như các hoạt động giám sát đã được quy định trong Luật Giám sát của Quốc hội, HĐND nhưng lại được đề cập trong dự luật này.
Đối với quy định công khai thông tin quy hoạch, đại biểu Phạm Văn Tuân đề nghị bổ sung thêm quy định các quy hoạch có liên quan nhiều đến cộng đồng dân cư cần được công bố công khai, rộng rãi để nhân dân biết tại trụ sở UBND các cấp. Đồng thời đề nghị bổ sung quy định về chế tài xử phạt trường hợp không công khai hoặc thông tin không chính xác, đầy đủ về các quy hoạch đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Đoàn ĐBQH Thanh Hóa) |
Trong khi đó đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Đoàn ĐBQH Thanh Hóa) đề nghị bổ sung nội dung quản lý nhà nước về quy hoạch. Lý giải điều này, đại biểu Bùi Sỹ Lợi cho rằng, quy hoạch là công cụ để các cấp chỉ đạo điều hành và thực hiện nhiệm vụ chính trị, cụ thể hóa mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và các định hướng phát triển ngành, lãnh thổ, là cơ sở để xây dựng chính sách vai trò, quản lý nhà nước trong phạm vi điều chỉnh cần thiết.
Đồng tình với ý kiến của đại biểu Bùi Sỹ Lợi, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Đoàn ĐBQH Kiên Giang) cho rằng, cần có chương quy định quản lý nhà nước về quy hoạch bởi quy hoạch là công cụ quan trọng để giúp các cơ quan chức năng quản lý nhà nước nhưng các quy định còn tản mạn, chưa đủ, chưa rõ ràng nhiệm vụ của các ngành, các cấp trong vấn đề quy hoạch.
Theo quy định trong dự thảo Luật, thời kỳ quy hoạch là 10 năm, tầm nhìn là 20 năm, các quy hoạch kết cấu hạ tầng phải có tầm nhìn từ 30 năm đến 50 năm.
Theo đại biểu Phùng Đức Tiến, đoàn Hà Nam, thời kỳ quy hoạch cần dài hơn so với dự thảo Luật, quy hoạch tối thiểu chung cho các loại quy hoạch là 20 năm, tầm nhìn 30 năm, quy hoạch ngành, vùng phải có tầm nhìn từ 50 năm; quy hoạch quốc gia phải có tầm nhìn từ 50-70 năm.
“Quy hoạch dài như vậy mới đảm bảo tính ổn định cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong điều hành nền kinh tế, trong đầu tư phát triển mà không bị động, không sợ thay đổi. Quy định dài như vậy cũng sẽ tạo áp lực cho các cơ quan lập quy hoạch phải có những dự báo, đánh giá dài hạn, đòi hỏi phải có sự đầu tư công phu trong công tác lập quy hoạch, tránh tình trạng dò dẫm, cóp nhặt, chắp vá” – đại biểu Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Đại biểu Phùng Đức Tiến (Đoàn ĐBQH Hà Nam) |
Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Đoàn ĐBQH Bình Dương) cho rằng, quy hoạch cấp dưới cần phù hợp với quy hoạch cấp trên, như vậy dữ liệu quy hoạch tổng thể quốc gia phải có trước, làm cơ sở cho cấp dưới đối chiếu.
Bên cạnh đó, Đại biểu Phùng Đức Tiến đề nghị cần bổ sung nội dung hết sức quan trọng là nhà nước ban hành bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn chung để tạo sự đồng bộ, thống nhất trong các quy hoạch.
“Ở các nước, quy hoạch hệ thống đô thị và hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông rất đồng bộ, trong khi ở nước ta mỗi địa phương quy hoạch một kiểu, bộ mặt đô thị mỗi nơi một vẻ, nhìn chung là chắp vá, không có bản sắc riêng” – đại biểu Phùng Đức Tiến phát biểu.
Theo infonet.vn