Người Việt Odessa
Tin trong nước

Quốc hội thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo

Thứ bảy, 19/11/2016 | 05:42
Chiều 18/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã chính thức thông qua dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo với 417 phiếu tán thành, chiếm 84,58% tổng số đại biểu Quốc hội.
Quốc hội thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày Báo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết, ngày 24/10/2016, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật tín ngưỡng, tôn giáo. Các đại biểu thống nhất cao với những nội dung cơ bản của dự thảo Luật và cho ý kiến vào một số điều, khoản cụ thể để hoàn thiện dự thảo Luật. Ngay sau phiên họp, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội; gửi phiếu xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật.

Nhất trí cao với Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo với 428 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết, bằng 86,82% tổng số đại biểu Quốc hội. Kết quả biểu quyết: có 417 đại biểu tán thành, chiếm 84,58% tổng số đại biểu Quốc hội; 10 đại biểu không tán thành, chiếm 2,03%; 1 đại biểu không biểu quyết, chiếm 0,20% tổng số đại biểu.

Gồm 9 chương, 68 điều, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo thông qua quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo; tổ chức tôn giáo; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo. Đối tượng áp dụng của Luật là các tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm và thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Quốc hội thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo
Các đại biểu Quốc hội thông qua dự thảo Luật Ảnh: Đình Nam

Luật quy định rõ những hành vi bị nghiêm cấm trong đó có quy định nghiêm cấm phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo; ép buộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo; xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo của người khác; lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi; các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn công cộng, môi trường, xâm hại đạo đức xã hội, sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, danh dự, tài sản của người khác, cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân…

Quốc hội cũng đồng ý giữ nguyên quy định về điều kiện thời gian để công nhận tổ chức tôn giáo là 5 năm. Theo đó, các tổ chức tôn giáo sẽ được công nhận khi hoạt động ổn định, liên tục từ đủ 05 năm trở lên kể từ ngày được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo.

Đối với việc bảo đảm quyền quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người, Luật khẳng định: Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật; nhà nước tôn trọng, bảo vệ giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo, truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh những người có công với nước, với cộng đồng đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân; nhà nước bảo hộ cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo và tài sản hợp pháp của cơ sở tín ngưỡng và các tổ chức tôn giáo.

Quốc hội thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo
Các đại biểu Quốc hội thông qua dự thảo Luật

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có trách nhiệm tập hợp đồng bào theo tín ngưỡng, tôn giáo và đồng bào không theo tín ngưỡng, tôn giáo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phản ánh kịp thời ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của nhân dân về các vấn đề có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền; tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo…

Bên cạnh đó, các quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; hoạt động tín ngưỡng; đăng ký sinh hoạt tôn giáo, sinh hoạt tôn giáo tập trung; trình tự, thủ tục, thẩm quyền công nhận tổ chức tôn giáo … cũng được quy định rất đầy đủ, cụ thể tại Luật Tín ngưỡng tôn giáo.

Luật Tín ngưỡng, tôn giáo sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018. Theo đó, Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo số 21/2004/UBTVQH11 sẽ hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Theo quochoi.vn

?

Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN