Ngày 9/11, trả lời báo chí về thông tin Quốc hội sẽ xem xét dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Chủ tịch Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) Dương Quang Thành cho biết một trong những lý do là tại thời điểm hiện nay, nguồn năng lượng sơ cấp như than, dầu khí có giá thành thấp hơn trước, nên việc đầu tư điện hạt nhân không cạnh tranh được về kinh tế.
Theo lãnh đạo EVN, vừa qua Chính phủ đã điều chỉnh quy hoạch sơ đồ điện 7, theo đó từ nay đến năm 2030 không có nội dung về nhà máy điện hạt nhân, Chính phủ đưa ra nhiều nguồn cung điện khác để thay thế.
"Các tính toán mới cho thấy giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng điện năng khoảng 11%, giai đoạn 2021-2030 từ 7-8%, thấp hơn nhiều bối cảnh năm 2009 khi Chính phủ trình Quốc hội dự án điện hạt nhân", ông Thành nói và cho biết thời điểm Chính phủ trình Quốc hội dự án điện hạt nhân, dự kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế cao kéo theo nhu cầu tăng trưởng điện từ 17 đến 20%, lúc bấy giờ Chính phủ lấy phương án 22% để điều hành nhằm đảm bảo đủ điện.
Ông Thành giải thích, với phương án tăng trưởng điện 22% thì nguồn năng lượng trong nước như than, dầu khí, thuỷ điện..., không đáp ứng được. Hơn nữa, nguồn năng lượng sơ cấp nhập khẩu tại thời điểm 2009 giá cao nên điện hạt nhân là phương án cạnh tranh.
"EVN đã làm các thủ tục để chuẩn bị đầu tư điện hạt nhân, tuy nhiên căn cứ sơ đồ 7 đã được điều chỉnh thì nguồn năng lượng sơ cấp trong nước và nhập khẩu đảm bảo đủ cho nhu cầu điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Việc đầu tư điện hạt nhân trở nên chưa cấp thiết", ông Thành nói.
Về khả năng thiếu điện giai đoạn 2018-2019, lãnh đạo EVN cho biết không liên quan đến dự án điện hạt nhân vì loại năng lượng này trước đây tính toán cho sau năm 2020. Dự báo thiếu điện giai đoạn trên là do nhu cầu điện miền nam tăng cao, một số nhà máy điện than chậm tiến độ... Trước tình hình này, Thủ tướng đã chỉ đạo tìm giải pháp cả trước mắt và lâu dài. Việc cấp bách là xem xét đầu tư đường dây tải điện từ miền bắc vào miền trung và miền nam; phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời. "Vấn đề sống còn là đảm bảo tiến độ nguồn điện tại chỗ ở khu vực miền nam. Thủ tướng đã chỉ đạo các chủ đầu tư, trong đó có EVN, PVN sớm đưa các dự án đang xây dựng vào vận hành. EVN cũng đã kiến nghị đầu tư các nhà máy điện ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long", ông Thành cho hay.
Lãnh đạo EVN khẳng định vốn cho các dự án đang xây dựng thì EVN đáp ứng đủ, ngoài ra EVN xây dựng phương án huy động vốn trong và ngoài nước cho các dự án mới.
Chủ tịch EVN Dương Quang Thành trả lời báo chí. |
Theo văn phòng Quốc hội, chiều mai 10/11, Quốc hội sẽ họp riêng nghe Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về việc dừng thực hiện Dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết nêu trên.
Tại Hội nghị Trung ương 4, khóa XII bế mạc ngày 14/10 vừa qua, Ban chấp hành Trung ương đã xem xét kỹ lưỡng, toàn diện các vấn đề liên quan đến việc thực hiện chủ trương triển khai dự án xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tại tỉnh Ninh Thuận; nhất trí cao với tờ trình của Bộ chính trị. Đồng thời, giao cho Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Trung ương, hoàn thiện báo cáo trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Ngày 25/11/2009, với 382 đại biểu tán thành (đạt tỷ lệ 77,48%), Quốc hội đã quyết định chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận gồm hai nhà máy, mỗi nhà máy có hai tổ máy. Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 đặt tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam và nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 đặt tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải với công suất mỗi nhà máy khoảng 2.000 MW.
Theo vnexpress.net