Tính đến ngày 7/11, đã có 2 tỉnh thực hiện chi trả đợt một cho người dân (Hà Tĩnh và Thừa Thiên Huế) với 262 tỷ đồng.
|
Phó thủ tướng Trương Hoà Bình chủ trì cuộc họp về ổn định đời sống và sản suất kinh doanh sau sự cố môi trường biển miền Trung. Ảnh: VGP |
Chủ trì cuộc họp về ổn định đời sống và sản xuất kinh doanh sau sự cố môi trường biển miền Trung ngày 8/11, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu, đối với số tiền công ty Formosa bồi thường, các bộ ngành và địa phương liên quan phải thực hiện đúng quy định về hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại. Cùng với đó, tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình lồng ghép phát triển kinh tế-xã hội được thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước cho các địa phương.
Thứ trưởng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cho biết, tới ngày 4/11, các địa phương đã cơ bản hoàn thành việc kê khai, niêm yết, xác định thiệt hại, áp định mức, đồng thời hướng dẫn và giải đáp thắc mắc của người dân.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, các bộ đã tạm cấp 3.000 tỷ đồng cho 4 tỉnh. Tính đến ngày 7/11, đã có 2 tỉnh thực hiện chi trả đợt một cho người dân (Hà Tĩnh và ThừaThiên Huế) với 262 tỷ đồng.
Phó thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Tài nguyên và môi trường tổ chức tiêu huỷ 966 tấn hải sản không bảo đảm an toàn thực phẩm và bồi thường 100% giá trị.
Đối với hơn 4.000 tấn hải sản bảo đảm an toàn thực phẩm nhưng chưa tiêu thụ được thì giao các địa phương tổ chức tiêu thụ, hỗ trợ 30% giá trị; khoảng gần 100 tấn hải sản an toàn nhưng đã quá hạn sử dụng thì chuyển sang chế biến thức ăn chăn nuôi, hỗ trợ 70% giá trị. Các bộ ngành, địa phương có trách nhiệm giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện vấn đề này.
Hiện tượng cá chết hàng loạt khởi nguồn từ một số lồng nuôi cá bè gần khu công nghiệp Vũng Áng (Hà Tĩnh), sau đó lan đến Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế. Cuối tháng 6, Formosa Hà Tĩnh đã thừa nhận là nguyên nhân trực tiếp gây ra sự cố môi trường biển, bồi thường 500 triệu USD. |
Theo vnexpress.net