Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng |
Theo đó, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trình bày trước Quốc hội tờ trình dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi).
Dự thảo Luật quản lý, sử dụng tài sản công gồm 10 chương, 137 Điều, trong đó: 5 chương quy định về các vấn đề chung và 5 chương quy định chế độ quản lý, sử dụng đối với từng loại tài sản công gồm: tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; tài sản kết cấu hạ tầng; tài sản công tại doanh nghiệp; tài sản của dự án sử dụng vốn nhà nước và tài sản được xác lập quyền sở hữu thuộc về nhà nước; nguồn lực tài chính từ đất đai, tài nguyên.
Đáng lưu ý trong dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước có quy định về quản lý, sử dụng tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Chương này gồm 54 Điều (từ Điều 21 đến Điều 74) được chia thành 8 mục quy định chung về quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công; chế độ quản lý, sử dụng tài sản công tại từng loại hình cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Cụ thể, giao thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, định mức đối với xe ô tô công, trụ sở làm việc cho Chính phủ (thay cho thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ như hiện nay); bổ sung các quy định để đảm bảo việc ban hành tiêu chuẩn, định mức được chặt chẽ, công khai, minh bạch. Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm tuân thủ, giám sát, kiểm tra việc tuân thủ tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công trong toàn bộ quy trình đầu tư xây dựng, mua sắm, sử dụng, khai thác, xử lý tài sản công để khắc phục những hạn chế trong quá trình thực hiện thời gian vừa qua.
Bổ sung một số hình thức mới trong đầu tư xây dựng, mua sắm, sử dụng, xử lý tài sản công bao gồm: Mua sắm tập trung; đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp theo hình thức đối tác công - tư (PPP), khoán kinh phí sử dụng tài sản công; huy động vốn để đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản tại đơn vị sự nghiệp công lập; ghi giảm tài sản do nguyên nhân bất khả kháng.
Quy định điều kiện trang bị tài sản công theo hướng ưu tiên áp dụng các phương thức trang bị theo thứ tự ưu tiên: khoán kinh phí, thuê tài sản, mua sắm, đầu tư xây dựng.
Bỏ quy định về việc xác định lại giá trị tài sản để giao cho đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính để giảm thủ tục hành chính và chi phí xác định lại giá trị tài sản; tăng quyền tự chủ về tài sản cho đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư trong việc quyết định định mức sử dụng tài sản, bảo đảm tài sản phục vụ hoạt động, sử dụng kết quả khai thác tài sản, huy động vốn đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản.
Điều chỉnh chế độ quản lý, sử dụng tài sản là bất động sản đã giao cho các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp từ cơ chế áp dụng như cơ quan nhà nước theo Luật hiện hành sang cơ chế cho phép tổ chức được khai thác bất động sản được Nhà nước giao theo hình thức kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết như chế độ áp dụng đối với đơn vị sự nghiệp công lập nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng, khai thác tài sản.
Bổ sung quy định về quản lý vận hành tài sản công theo hướng cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập có thể tự thực hiện quản lý vận hành tài sản công được giao quản lý, sử dụng hoặc thuê đơn vị có chức năng thực hiện quản lý vận hành.
Quy định việc xử lý tài sản công khi chuyển đổi mô hình hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập (cổ phần hóa, chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành doanh nghiệp) để đáp ứng yêu cầu đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập trong thời gian tới.
Theo infonet.vn