Người Việt Odessa
Tin trong nước

Hơn 600 giáo viên mất việc gửi đơn kêu cứu

Thứ sáu, 28/10/2016 | 02:22
Cho rằng UBND huyện Yên Định (Thanh Hóa) chấm dứt hợp đồng lao động là không đúng quy định, 647 giáo viên, nhân viên công tác tại nhiều trường học ở huyện này gửi đơn kêu cứu đến nhiều cơ quan chức năng đề nghị làm rõ.

Ngày 27/10, Văn phòng Tỉnh ủy Thanh Hóa cho biết, Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Văn Chiến đã giao Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh căn cứ các quy định hiện hành, chỉ đạo giải quyết đơn thư phản ánh của tập thể giáo viên, nhân viên hành chính là lao động hợp đồng từng công tác tại các cơ sở giáo dục ở huyện Yên Định.

Trước đó ngày 1/9, 647 giáo viên, nhân viên hành chính ở huyện Yên Định bất ngờ nhận được thông báo chấm dứt hợp đồng lao động với lý do không có nhu cầu sử dụng lao động hợp đồng tại thời điểm hiện tại.

Cho rằng việc huyện Yên Định chấm dứt hợp đồng lao động là không đúng quy định, người lao động đã gửi đơn kêu cứu đến nhiều cơ quan. Theo đơn phản ánh, người lao động không được thông báo đúng thời gian trước khi bị chấm dứt hợp đồng. Trong số bị nghỉ việc, nhiều người đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng, đang mang thai, nghỉ chế độ thai sản, một số người đang điều trị bệnh hiểm nghèo.

Hơn 600 giáo viên mất việc gửi đơn kêu cứu

Giáo viên huyện Yên Định mất việc tập trung gửi kiến nghị đến các ngành chức năng. Ảnh: Lê Hoàng.

Ông Lưu Vũ Lâm, Chủ tịch UBND huyện Yên Định giải thích, do huyện đang thực hiện chỉ đạo của tỉnh Thanh Hóa về công tác tinh giản biên chế. “Việc chấm dứt hợp đồng đối với người lao động đã nhiều năm gắn bó với ngành giáo dục là điều không ai mong muốn. Tôi hiểu và chia sẻ với những giáo viên này, nhưng đã là chỉ đạo thì chúng tôi phải thực hiện”, ông Lâm nói.

Chủ tịch huyện nói thêm, việc biến động tăng giảm về trường lớp, số học sinh trong nhiều năm trở lại đây, kéo theo số lượng lao động hợp động bị ảnh hưởng. Từ năm 2009 đến nay, riêng bậc THCS ở Yên Định giảm tới 60 lớp khiến số giáo viên đã được ký hợp đồng ngắn hạn dư thừa. Ngoài ra, cán bộ tham mưu về công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển còn nhiều hạn chế, chưa sát với thực tế. Ví dụ giáo viên thừa thì không đề xuất luân chuyển, trong khi chỗ thiếu giáo viên thì đề nghị tuyển thêm.

“Một số trường hợp ký hợp đồng còn mang nặng tính tình cảm, theo kiểu quan hệ. Thật ra chuyện này không chỉ ở Yên Định mà ở đâu cũng thế. Sự việc trên còn là hậu quả của cả quá trình dài tuyển dụng, bố trí công việc chưa phù hợp. Đến khi có biện pháp ngăn chặn thì xảy ra xung đột lợi ích”, ông Lâm nói.

Theo kết luận của Thanh tra tỉnh Thanh Hóa, việc Chủ tịch UBND huyện Yên Định ký tiếp hợp đồng thời hạn một năm trong nhiều năm liền với những lao động là vi phạm Luật Lao động. Số cán bộ giáo viên, lao động dư thừa nhiều, vượt so với nhu cầu, nhưng chủ tịch UBND huyện vẫn ký hợp đồng mới và tiếp tục duy trì số lao động cũ… gây lãng phí nhân lực xã hội và ngân sách Nhà nước trong nhiều năm liền.

Hợp đồng nhiều năm không vào được biên chế, trong khi mức lương thấp gây tâm lý hoang mang cho người lao động, ảnh hưởng chất lượng công việc và dư luận không tốt trong xã hội.

Liên quan vụ việc, ngày 27/10, ông Nguyễn Xuân Tùng, Chánh văn phòng UBND huyện Yên Định cho biết, UBND huyện đã lập đoàn thanh tra nhằm làm rõ từng trường hợp cụ thể. Sau 45 ngày xác minh, huyện sẽ có trả lời đơn thư cán bộ, giáo viên phản ánh.

Theo vnexpress.net


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN