Khung cảnh buổi làm việc |
Tham dự buổi làm việc này, về phía TP.HCM có ông Đinh La Thăng – Bí thư Thành ủy, ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch UBND TP và nhiều lãnh đạo sở, ngành liên quan.
Báo cáo với đoàn công tác về việc xây dựng mới và thay thế chung cư bị hư hỏng nặng, nguy hiểm, ông Trần Trọng Tuấn – Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết đến nay TP đã thực hiện kiểm định hơn 100 chung cư cũ. Trong 9 tháng đầu năm Sở đã đề xuất UBND TP di dời khẩn cấp 20 hộ tại chung cư Cô Giang, chung cư 727 và chung cư 350 để đảm bảo tính mạng cho người dân vì những nơi này đã xuống cấp trầm trọng.
Sở Xây dựng cũng đã lên kế hoạch tổ chức thực hiện chương trình cải tạo, thay mới chung cư hư hỏng giai đoạn 2016 – 2021 và xây dựng các cơ chế đặc thù, phân quyền cho UBND cấp quận, huyện trong thực hiện các nội dung trên.
Phát biểu thêm về vấn đề này, ông Lê Văn Khoa – Phó chủ tịch UBND TP đã nêu ra những bất cập về cơ chế khiến việc cải tạo chung cư cũ gặp rất nhiều khó khăn.
Theo ông Lê Văn Khoa, trong 10 năm qua TP chỉ “giải quyết” được 32 căn chung cư cũ, trong khi mục tiêu 4 năm còn lại phải làm tới 237 căn. Do đó ông cho rằng với cơ chế bình thường thì không làm được.
“Lĩnh vực này không hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, trong khi các chung cư ngày càng xuống cấp gây nguy hiểm trực tiếp cho người dân” – ông Lê Văn Khoa nói.
Cũng theo ông Khoa, vì những bất cập nêu trên nên TP đã phân cấp mạnh cho quận, huyện trong việc quyết định cải tạo các chung cư cũ để đẩy nhanh tiến độ. Chính vì vậy ông cũng kiến nghị Thủ tướng cho phép TP lựa chọn, chỉ định nhà đầu tư có năng lực thực hiện các chương trình này thay vì phải trải qua các bước như thông thường. “Chỉ có như vậy may ra mới có thể làm nhanh được” - ông Khoa nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Khoa cũng đề cập đến mục tiêu di dời 20.000 căn nhà trên kênh rạch của TP hiện nay. Đây đều là những căn nhà tạm bợ nên nếu xảy ra sự cố sẽ gây nguy hiểm lớn đến tính mạng người dân, không những vậy nó còn khiến môi trường bị ô nhiễm trầm trọng.
“Chính vì vậy tôi đề nghị Bộ ủng hộ theo hướng cho phép TP lựa chọn phương thức chỉ định nhà đầu tư để đến năm 2020 cố gắng di dời, tái định cư 20.000 hộ này ở nơi ở mới, kết hợp nạo vét lòng sông để tạo cảnh quan môi trường” - ông Khoa đề xuất.
Ông Đinh La Thăng – Bí thư Thành ủy TP.HCM, ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch UBND TP.HCM (bên phải) |
Cùng quan điểm trên, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cũng kiến nghị Trung ương cho phép TP chỉ định thầu để đẩy nhanh tốc độ xử lý chung cư cũ, do TP có hơn 400 căn thuộc diện này và 50% đã xuống cấp.
Chủ tịch UBND TP.HCM cho hay hiện nay mỗi tuần ông đều nhận được rất nhiều đơn của nhà đầu tư đề nghị cho tham gia nâng cấp chung cư và quan điểm của ông là “TP xác định các tiêu chuẩn chung để lựa chọn chứ không ôm”.
Tương tự hai ý kiến trên, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng cũng nhận định rằng Bộ Xây dựng nên “phân cấp tối đa, ủy quyền tối đa” cho TP vì bộ máy của TP có đủ khả năng thực hiện việc này và chỉ khi đó mới giải quyết nhanh chóng các chung cư cũ, trong bối cảnh điều kiện sống của người dân tại đây đang xuống cấp rất nhanh.
Đáp lại các kiến nghị trên, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết ông ủng hộ việc tạo ra một cơ chế mới có tính chất đột phá, nhằm tháo bỏ mọi rào cản để TP phát huy được năng lực, phát triển nhanh hơn nữa. Bộ Xây dựng trong chức năng của mình sẽ phối hợp chặt chẽ với TP để xây dựng cơ chế này.
“Tôi ủng hộ tăng cường phân cấp ủy quyền cho TP trên một số lĩnh vực, xây dựng thẩm quyền quản lý trong hoạt động xây dựng. Đề nghị các vụ, cục đề xuất những gì có thể phân cấp và trong năm nay phải xong cái này. Những cái gì thuộc thẩm quyền thì chúng ta làm, những gì chưa có trong luật thì đề nghị Chính phủ, Quốc hội cho thí điểm” – Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho hay.
Theo infonet.vn