Tại phiên làm việc của Ban Pháp chế (HĐND TP Hà Nội) với Sở Nội vụ sáng 29/9, lãnh đạo Sở Nội vụ cho hay đang rà soát, sắp xếp bộ máy các đơn vị sự nghiệp trực thuộc quận, huyện, thị xã.
Cụ thể, Sở đã hoàn thành 2 đề án: sáp nhập Ban quản lý dự án chung toàn thành phố; sáp nhập Trung tâm giáo dục thường xuyên, Trung tâm kỹ thuật tổng hợp -hướng nghiệp và Trung tâm dạy nghề thành Trung tâm giáo dục nghề nghiệp -Giáo dục thường xuyên cấp huyện.
Thành phố đã giảm được hơn 170 trưởng, phó phòng sau khi sắp xếp lại bộ máy. Ảnh: Giang Huy. |
Các đơn vị gồm Trung tâm Văn hóa; Trung tâm Thể dục - Thể thao; Đài phát thanh truyền hình cũng đang được Sở tham mưu UBND thành phố sáp nhập để tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Theo lãnh đạo Sở Nội vụ, thời gian tới sẽ tiếp tục tham mưu thành phố về Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng và các đơn vị sự nghiệp còn lại thuộc UBND quận, huyện, thị xã như: Ban bồi thường giải phóng mặt bằng; Trung tâm phát triển cụm công nghiệp; Trung tâm dân số kế hoạch hóa gia đình; Ban quản lý chợ…
Sở Nội vụ cũng đã tham mưu UBND thành phố ban hành quyết định giao chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã chỉ đạo, điều hành trực tiếp Đội thanh tra xây dựng địa bàn để quản lý trật tự xây dựng từ ngày 1/9.
Đối với thanh tra giao thông, Sở Nội vụ cho rằng, do đặc điểm hoạt động là thực hiện nhiệm vụ xuyên suốt trên các tuyến đường bộ, đường sông và tham gia giải quyết tại các nút, điểm ùn tắc, nếu bàn giao đội thanh tra về cho từng quận, huyện quản lý sẽ khó chỉ đạo trong công tác đảm bảo trật tự giao thông, do vậy vẫn giữ nguyên mô hình như hiện nay.
Báo cáo của Sở Nội vụ, sau khi rà soát sắp xếp bộ máy nhiều đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc các Sở, số đơn vị giảm từ 401 xuống 280 đơn vị (trên 30%).
Số viên chức hiện có của thành phố Hà Nội (tính đến 1/7) là gần 120.000. Tổng số biên chế viên chức thành phố được giao là 133.000 viên chức, trong đó khối sở, ban, ngành gần 45.000; khối hội 373; khối quận, huyện, thị xã được giao hơn 88.000 biên chế.
Theo vnexpress.net