Người Việt Odessa
Tin trong nước

"Ở nước ngoài người tham nhũng đã chết vẫn bị xử dân sự để thu hồi tài sản"

Thứ năm, 29/09/2016 | 03:14
Ngày 28/9, Đoàn ĐBQH TP.HCM đã tổ chức buổi lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý, luật sư về dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (Luật PCTN) dự kiến sẽ được đưa ra thảo luận trong kỳ họp Quốc hội tới đây.
"Ở nước ngoài người tham nhũng đã chết vẫn bị xử dân sự để thu hồi tài sản"
Luật sư Trương Thị Hòa phát biểu trong buổi lấy ý kiến  về dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng.

Đóng góp ý kiến tại đây, luật sư Trương Thị Hòa nhấn mạnh đến vấn đề thu hồi tài sản. Bà cho biết trong công ước của Liên hợp quốc, phần thu hồi tài sản tham nhũng đã trở thành 1 chương, trong khi dự thảo mới chỉ quy định về vấn đề này.

“Do đó tôi kiến nghị có 1 chương riêng để đưa các biện pháp, chế tài vào trong đó, và vì thu hồi cũng là một biện pháp để chống tham nhũng” – luật sư Trương Thị Hòa nói.

Bà cũng cho rằng trong dự thảo có nội dung quy định nếu cá nhân kê khai không trung thực thì trước sẽ bị thu thuế, sau có thể đưa ra kiện dân sự để tịch thu. Tuy nhiên, vấn đề này cần quan tâm đến cách xử lý của nước ngoài.

“Các nước người ta vẫn có hình sự, dân sự, ngay cả khi người tham nhũng đã chết người ta vẫn xử về dân sự để thu hồi tài sản, chứ không phải chết rồi là thôi” – bà Hòa cho hay.

Về vấn đề chương mục, theo luật sư Hòa, dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng đã chia ra quá nhiều Chương (11 Chương), trong khi đó có nhiều chương nằm trong 1 vấn đề, do đó bà kiến nghị nên gộp chung lại và tổ chức bố cục theo hình thức của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng.

Đề cập đến yêu cầu “liêm chính” của cán bộ, vị luật sư nhấn mạnh rằng đây là vấn đề rất cần thiết thuộc về cả đạo đức và cơ chế chính sách của nhà nước.

“Tôi thấy chưa quan tâm đến đồng lương (của cán bộ, công chức - PV), đồng lương là vấn đề dưỡng liêm trong cơ chế liêm chính, không phải chúng ta chạy theo đồng lương nhiều mới là không tham nhũng nhưng phải có chính sách và dưỡng liêm. Đây đã là một chính sách xuyên suốt mấy ngàn năm” – bà Hòa nhận định.

Trước những ý kiến cho rằng nên bỏ dự định mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật sang khu vực ngoài nhà nước, luật sư Hòa kiến nghị nên “giữ lại”, bởi đây là vấn đề rất quan trọng vì hiện nay PCTN ngoài nhà nước cũng là giúp cho trong nhà nước và “những nơi này cũng có tham nhũng chứ không phải không”.

“Dù chỉ là luật sư tư nhân nhưng trong hợp đồng ký với thân chủ chúng tôi cũng phải có một điều khoản về liêm chính, tức là không có tốn bất cứ một khoản tiền nào để được hợp đồng đó” - bà Hòa lấy ví dụ.

Về vấn đề công khai, minh bạch tài sản, vị luật sư nhấn mạnh rằng công khai minh bạch là vô cùng quan trọng. Bản kê khai phải niêm yết ở nơi mà “ai cũng xem được hết”, vì như vậy “ai cũng biết tài sản đó có trốn tránh, có cái gì hay không”.

Tại phần góp ý sau đó, ông Phạm Chánh Trực (nguyên Phó Bí thư thường trực Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM) cũng đồng quan điểm với luật sư Hòa về cải cách tiền lương. Theo ông cần phải cải cách tiền lương để lương tối thiểu phải đủ nuôi sống công chức và thêm 1 người.

“Hiện nay chúng ta đang trọng cơ sở vật chất hơn con người, chúng ta bỏ ra hàng trăm ngàn tỷ để xây dựng cơ sở vật chất nhưng bỏ tiền ra để cải cách tiền lương thì khó khăn. Nếu chúng ta dừng lại những công trình lãng phí để cải cách tiền lương thì không thiếu tiền” – ông Phạm Chánh Trực nêu ý kiến.

Nói thêm về phòng chống tham nhũng, ông Trực kiến nghị thành lập Ủy ban phòng chống tham nhũng quốc gia trực thuộc Quốc hội, bởi ông cho rằng hiện nay đầu mối “rất phân tán và không đủ thẩm quyền xử lý vấn đề”.

“Cần thiết thì bố trí 1 Ủy viên Bộ Chính trị là chủ nhiệm hay trưởng ban ban này và có thời hạn chứ không phải chống tham nhũng muôn năm, không biết khi nào kết thúc” – ông Trực nhấn mạnh.

Nguyễn Cường

?

Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN