Nhiều công nhân không mặn mà với đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu |
Người lao động nói gì?
Nguyễn Thị Thu Trang, quê ở Ba Vì, Hà Nội hiện đang làm việc tại một cty sản xuất phụ tùng mô tô ở Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) cho biết: Khi nghe tin Bộ LĐTB & XH đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu lên 58 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam, em khá lo lắng.
“Hiện tại, người nhiều tuổi nhất ở công ty cũng chỉ sinh năm 1975. Mặc dù công việc của bọn em nhẹ nhàng, nhưng ở một số công đoạn đòi hỏi phải “nhanh tay, nhanh mắt”, “chân cứng, tay mềm”… Ví dụ như việc đứng cân phụ tùng (ai đảm nhiệm vị trí này thì phải đứng gần như 8 tiếng) hay ai làm ở công đoạn đếm sản phẩm thì suốt ca làm việc chỉ cắm đầu vào rổ long đen, ốc vít mà đếm. Em nghĩ, chắc đến 58 tuổi mắt mờ, chân chậm, tay run khó mà có thể hoàn thành công việc” – Trang nói.
Trang cho biết thêm, công nhân đa phần ngoại tỉnh, do đó các đồng nghiệp cùng công ty Trang đều không mong muốn tăng tuổi nghỉ hưu. “Sức khỏe là yếu tố đầu tiên, tiếp đến là họ cũng muốn đoàn tụ gia đình sau nhiều năm lặn lội làm thuê chốn thị thành”- Trang tâm sự.
Trái ngược với quan điểm của Trang, bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu nghề nghiệp, nguyên Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô lại cho rằng: “Bản thân tôi đã từng kinh qua nhiều vị trí quản lý, đến 55 tuổi, tôi cũng nghỉ hưu theo đúng chế độ. Từ kinh nghiệm bản thân tôi thấy, đến tuổi này rất chín, từ kinh nghiệm và trình độ chuyên môn, công tác quản lý. Nếu để nghỉ thì với những đối tượng này rất phí”.
Ủng hộ việc tăng tuổi nghỉ hưu nhưng chỉ nên áp dụng với một số đối tượng và phải trên tinh thần tự nguyện, bà Hạnh cho rằng: Cần căn cứ vào mong muốn, nguyện vọng của mỗi người. Bởi có những người họ không muốn thì không thể bắt buộc. Cần có cách làm phù hợp để đỡ lãng phí một nguồn nhân lực cho xã hội. Bao nhiêu công đào tạo, kiến thức tích lũy… mà nghỉ sớm thì lãng phí.
Bà Hạnh cũng nhấn mạnh, việc kéo dài tuổi nghỉ hưu với những người làm quản lý, cán bộ nghiên cứu khoa học… nên có những qui định cụ thể và cũng cần căn cứ vào tín nhiệm tập thể, thành tích đóng góp…
“Tôi nghĩ, điều kiện tiêu chuẩn phải tiên quyết, nhưng nếu không có tiêu chuẩn cụ thể thì ai cũng có thể nói là tôi yêu nghề, tôi còn sức khỏe, tôi có kinh nghiệm, nhưng ở lại thì không đóng góp được gì. Học hàm, học vị cũng cần có nhưng cũng cần phải có năng lực chuyên môn, được mọi người ghi nhận, đánh giá” – bà Hạnh nhấn mạnh.
Người trẻ khó kiếm việc làm
Ông Đinh Quốc Toản - Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cho biết: Ở Nhật Bản đang phấn đấu nâng tuổi nghỉ hưu lên 65 tuổi đối với nam, nữ 60 và nhiều nước khác cũng vây. Ở nước ta thì từng thời điểm một có những quy định về chính sách bảo hiểm khác nhau.
“Đối với tuổi nghỉ hưu của NLĐ nước ta theo tôi nghĩ là ở giai đoạn này cũng như giai đoạn tiếp theo có thể để tuổi nghỉ hưu đối với lao động nữ là 58, nam là 62. Và như thế nhà nước mới đảm bảo quỹ chi trả BHXH chăm lo cho toàn dân. Tuy nhiên đối với những lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm thì nên để ở mức nữ 55 và nam 60 tuổi như thế sẽ phù hợp” – ông Toản nhấn mạnh.
Ông Toản cũng lưu ý, các chế độ chính sách xây dựng trên cơ sở thực tế của Việt Nam tuy nhiên cũng nhìn quanh các nước xung quanh trong khu vực và châu Á để tính toán độ tuổi cho phù hợp. Người lao động nếu nghỉ hưu sớm quá khi sức khỏe còn thì cũng buồn và lãng phí nguồn lực.
Theo ông Toản thì hiện tại Khu CN trên địa bàn Hà Nội, độ tuổi trung bình của NLĐ từ 18- 30 tuổi. Tuy nhiên vẫn có những người về hưu vẫn xin hợp đồng làm thêm. Những người này chủ yếu làm kỹ thuật hoặc nhân viên văn phòng.
Trái ngược với quan điểm của ông Toản, ông Đặng Quang Điều, Trưởng Ban thi đua chính sách kinh tế xã hội và thi đua khen thưởng (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) lại cho rằng, hiện nay tỉ lệ thất nghiệp ở Việt Nam còn rất cao, số người không có việc làm còn rất lớn. Riêng số thanh niên có trình độ đại học, cao đẳng đang không có việc làm là 200 nghìn người. Nếu kéo dài độ tuổi nghỉ hưu cho người lao động đang làm việc thì sẽ tạo ra một áp lực rất lớn về vấn đề việc làm. Những người trẻ đến tuổi làm việc, đến tuổi tham gia vào thị trường lao động thì càng khó kiếm được việc làm. Điều này sẽ tạo ra một hệ quả xấu về vấn đề an ninh, trật tự, làm cho môi trường xã hội phức tạp lên.
“Việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu như là một quy luật. Khi tuổi thọ tăng lên, kinh tế xã hội phát triển thì cũng cần thiết phải điều chỉnh tuổi nghỉ hưu. Để tăng tuổi nghỉ hưu thì cần phải nghiên cứu và xem xét các ý kiến khác nhau của các đối tượng khác nhau về việc tăng tuổi nghỉ hưu” – ông Điều nói.