Theo truyền thông Lào, giữa tháng 8/2016, quốc gia này khởi công thủy điện Don Sahong với công suất 260 MW, mức đầu tư khoảng trên 500 triệu USD. Do nằm trên dòng chính sông Mekong, việc xây dựng thủy điện này khiến nhiều chuyên gia lo lắng về sinh kế của hàng triệu người ở lưu vực sông, trong đó có đồng bằng sông Cửu Long.
Vị trí thủy điện Don Sahong trên dòng chính Mekong. Nguồn: Terra. |
Dù đập thủy điện Don Sahong chỉ là công trình quy mô trung bình, nhưng PGS.TS Lê Anh Tuấn (Phó viện trưởng viện nghiên cứu biến đổi khí hậu ĐH Cần Thơ) cho rằng tác hại của nó rất lớn, nhất là với Campuchia và Việt Nam. Dự án sẽ ngăn đường đi chính của nhiều loài cá di cư từ hạ nguồn lên thượng nguồn sinh sản và cá con về hạ lưu sau đó.
Vừa trở về từ chuyến khảo sát thực tế dự án này, tiến sĩ Tuấn cho biết có rất nhiều người dân phàn nàn về thủy điện Don Sahong. Nếu như trước đây người dân huyện Khone (Lào) trung bình mỗi ngày bắt được 20-30 kg cá vào mùa lũ, nay khi dòng Don Sahong bị chặn, họ không còn thấy con cá nào.
Chuyên gia thủy điện Nguyễn Hữu Thiện cũng cho rằng, Don Sahong nằm ở vị trí "nút thắt cổ chai' của sông Mekong, nên đập xây dựng sẽ chặn ngang dòng Hou Sahong, đây là đường di cư chính của cá ở hạ nguồn thuộc Campuchia, Lào, Thái Lan. Đây cũng là dòng duy nhất cá có thể di chuyển quanh năm, do chỉ có một số ghềnh nhỏ, không có thác nên thuận lợi cho cá di cư.
Dẫn sản lượng cá nước ngọt của hạ lưu Mekong lên tới 2,1 triệu tấn, chiếm 20% thế giới, ông Thiện nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của dòng Hou Sahong trong việc duy trì tính bền vững của thủy sản di cư trên toàn vùng hạ lưu vực Mekong. Khu vực này cũng là nơi tập trung sinh sống của những cá thể cá heo nước ngọt Irrawady cuối cùng trên sông Mekong.
Theo số liệu của Trung tâm cá thế giới, lượng cá di cư trên sông Mekong ở một số nơi đạt đỉnh điểm 30 tấn mỗi giờ.
"Một chuyên gia nước ngoài từng nói cá ở vùng Mekong được ví như sữa của tây, tức là nếu trẻ em tây cao và thông minh là nhờ sữa, thì những trẻ sống ở hạ lưu sông Mekong lớn lên là nhờ loại thủy sản này", ông Thiện nói.
Theo tính toán của các chuyên gia, khi thủy điện Don Sahong hoàn thành, khoảng 37-50% dòng chảy Mekong sẽ đi qua dòng Hou Sahong trong 6 tháng mùa khô, tức là tăng 17 lần so với mức 5% khi chưa có đập. Như vậy, lưu lượng nước qua các dòng như Hou Phapeng, Hou Sadam và dòng nhỏ khác giảm nghiêm trọng, không còn "hấp dẫn" cá bơi ngược lên.
Bên cạnh lo ngại nêu trên, nhiều chuyên gia còn cho rằng công trình thủy điện này sẽ ảnh hưởng đến lượng phù sa của đồng bằng sông Cửu Long.
Theo vnexpress.net