Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đang lấy ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia về Đề án "Tăng cường quản lý phương tiện cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố".
Theo Đề án, dự kiến từ năm 2021, Hà Nội sẽ dừng hoạt động đối với xe máy ngoại tỉnh vào khu vực nội đô (vành đai 1) từ 7h đến 19h hàng ngày. Từ năm 2023 sẽ dừng hoạt động đối với xe máy ngoại tỉnh trong vành đai 2, đồng thời mở rộng hạn chế xe máy ra các tuyến phố cũ. Giai đoạn tiếp theo đến năm 2025 sẽ cấm xe máy một số khu vực trong vành đai 3.
Tắc đường ở Hà Nội sáng 20/9. Ảnh: Ngọc Thành |
Giải thích việc hạn chế phương tiện ngoại tỉnh, ông Lê Đỗ Mười, Viện phó Viện chiến lược và phát triển giao thông (đơn vị tư vấn Đề án) cho biết, cơ quan nghiên cứu đã học kinh nghiệm từ các thành phố của Trung Quốc trong việc ưu tiên cho xe nội tỉnh hoạt động.Vì đối tượng sử dụng xe máy nội tỉnh có chặng đi ngắn, hoạt động thường xuyên, còn người ngoại tỉnh vào thành phố thường là học sinh, sinh viên, những người lao động ở các khu công nghiệp thì có thể đi phương tiện công cộng.
“Phần lớn những người dùng xe máy biển ngoại tỉnh đi tuyến cố định, theo lộ trình, phù hợp bố trí phương tiện công cộng”, ông Lê Đỗ Mười giải thích và khẳng định, việc cấm xe ngoại tỉnh hay nội tỉnh đều áp dụng theo lộ trình, tiến tới cấm toàn bộ xe máy hoạt động trong vành đai 3.
Đại diện cơ quan soạn thảo cũng cho biết, Đề án đang ở giai đoạn báo cáo xin ý kiến, ban đầu dự kiến áp dụng từ năm 2020 đến 2025. Tuy nhiên, hiện rất nhiều ý kiến phản hồi và căn cứ vào nhu cầu thực tế, có thể lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân sẽ kéo dài tới năm 2030, tức là từ 2025 đến 2030 mới tiến hành hạn chế.
Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, cho biết ông ủng hộ lộ trình cấm xe cá nhân vì tình trạng ùn tắc giao thông ở Hà Nội đã hết sức cấp bách. Tuy nhiên, theo ông Thanh, xe biển số ngoại tỉnh cũng như xe ở Hà Nội cần có lộ trình giống nhau để đảm bảo công bằng. Nếu áp dụng quy định này thì người dân có xe biển ngoại tỉnh sẽ chuyển đổi biển số nội tỉnh, vì họ vẫn có nhu cầu đi lại hàng ngày. Bài học trước đây dừng đăng ký xe máy tại 4 quận nội thành đã thất bại vì "ngăn sông cấm chợ".
"Hạn chế xe cá nhân chỉ là giải pháp phần ngọn, cái gốc phải siết chặt quy hoạch đô thị. Nhà chung cư xây dựng quá nhiều trong nội đô như thế này thì vẫn ách tắc, các nhà máy di dời cần trả lại đất cho cây xanh, giao thông", ông Thanh nói.
Sở Giao thông đặt lộ trình phát triển vận tải hành khách công cộng đến năm 2020, đầu tư mới 500-550 xe buýt mỗi năm. Ảnh: Bá Đô |
TS Nguyễn Xuân Thủy (chuyên gia giao thông) phân tích, trong 6-7 năm nữa thì tỷ lệ giao thông công cộng mới tăng lên được 20%, chưa thể đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Đến năm 2025, Hà Nội cũng chưa thể hoàn thành 5 tuyến đường sắt đô thị, vì vậy nếu hạn chế phương tiện cá nhân thì người dân không biết đi bằng gì. Do vậy, theo ông Thủy, không nên cấm xe máy như Đề án đưa ra, cứ phát triển phương tiện công cộng trước, người dân sẽ tự điều chỉnh thói quen đi lại khi tham gia giao thông công cộng thuận tiện.
Về việc hạn chế phương tiện ngoại tỉnh, ông Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, đây là biện pháp sai lầm, không khả thi, sẽ gây cảm giác cục bộ địa phương. "Người ngoại tỉnh hàng ngày vào thành phố làm việc, góp phần xây dựng thành phố, vì vậy cấm xe của họ là không đúng", ông Nguyễn Xuân Thủy nói.
Kinh nghiệm hạn chế phương tiện tại TP Quảng Châu (Trung Quốc) Giai đoạn đầu: (từ tháng 10/1991), cấm tất cả các xe máy không đăng ký tại Quảng Châu lưu hành trong nội đô từ 7h sáng đến 7h tối. Giai đoạn thứ 2: (từ năm 1999) xe máy không đăng ký tại Quảng Châu bị cấm lưu hành hoàn toàn tại thành phố và các vùng. Giai đoạn 3: cấm hoàn toàn xe máy trên toàn bộ thành phố. |
Theo vnexpress.net