Ngày 20/9, Bộ Y tế công bố kết quả nghiên cứu cho thấy hải sản sống ở tầng nổi và tại đầm nuôi của 4 tỉnh (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế) đều an toàn, đồng thời khuyến cáo người dân không sử dụng hải sản tầng đáy trong vòng 20 hải lý.
Thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp giám sát định kỳ hải sản tại 4 tỉnh miền Trung, nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm và sức khỏe cho người dân, tiếp tục lấy mẫu hải sản tầng đáy để xét nghiệm.
Chợ cá Thạch Kim, Hà Tĩnh. Ảnh: Đức Hùng. |
Bộ Nông nghiệp cũng chỉ đạo thực hiện giám sát tại các cảng cá, bến cá khi tàu về bờ, cung cấp danh sách hải sản tầng đáy thường gặp ở vùng biển 4 tỉnh miền Trung để ngư dân lưu ý. Thời điểm lấy mẫu giám sát là khi sản phẩm được bốc dỡ từ tàu đưa lên bờ tiêu thụ. Tần suất lấy mẫu giám sát 2-3 ngày/lần, tùy theo điều kiện thực tế địa phương.
Theo Thứ trưởng Nông nghiệp Hà Công Tuấn, giới chức và ngư dân có thể dễ dàng phân biệt hải sản tầng đáy và tầng mặt. Người dân cũng sẽ được thông tin về vấn đề này. Để đánh bắt ở khu vực 20 hải lý thì chỉ có tàu hiệu suất 90 CV mới được phép. Chủ tàu hay ngư dân đều phải giải trình đánh bắt ở ngư trường nào và điều này thể hiện trên hải trình.
"Hải sản tầng nổi được mang đi tiêu thụ ngay, còn loại tầng đáy chúng tôi sẽ phân lô và đưa đi kiểm nghiệm", ông Tuấn nói.
Một chuyên gia hải sản cũng nhận định không khó để phân biệt hải sản tầng đáy hay nổi, gần bờ hay xa bờ.
Người dân có thể ăn cá ở tầng nổi. Ảnh: N.Đ. |
Hiện tượng cá chết hàng loạt khởi nguồn từ một số lồng nuôi cá bè gần khu công nghiệp Vũng Áng (Hà Tĩnh), sau đó lan đến Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế. Cuối tháng 6, Formosa Hà Tĩnh đã thừa nhận là nguyên nhân trực tiếp gây ra sự cố môi trường biển, cam kết bồi thường 500 triệu USD.
Theo vnexpress.net