Người Việt Odessa
Tin trong nước

Ý kiến trái chiều việc khởi động lại dự án đường sắt cao tốc tỷ đô

Chủ nhật, 18/09/2016 | 04:53
Lãnh đạo ngành giao thông cho rằng cần khẩn trương xây dựng đường sắt cao tốc Bắc Nam để đáp ứng yêu cầu vận chuyển khối lượng lớn, tuy nhiên cựu đại biểu Quốc hội không ủng hộ dự án vì sẽ đẩy nợ công lên cao.

Trao đổi với VnExpress, Thứ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Bộ này đang nghiên cứu báo cáo tiền khả thi dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam. Trong báo cáo sẽ phân tích hiệu quả, quy mô công trình, lộ trình, khả năng huy động nguồn lực trong và ngoài nước, đánh giá tác động nợ công..., để chứng minh dự án khả thi hay không. 

Lãnh đạo Bộ Giao thông nói sẽ cố gắng trình trình Chính phủ báo cáo tiền khả thi trong 2 năm tới (dự kiến 2018). Sau khi Quốc hội có chủ trương đầu tư, Bộ Giao thông sẽ tiến hành làm dự án khả thi, đưa ra các khả năng huy động vốn cụ thể, phần nào nhà nước huy động, phần nào sẽ kêu gọi xã hội  hóa và đầu tư nước ngoài. 

Thứ trưởng Đông cũng bày tỏ không lo ngại báo cáo tiền khả thi bị Quốc hội bác bỏ như lần trước (Quốc hội bác dự án đường sắt cao tốc trị giá 56 tỷ USD vào năm 2010). "Báo cáo sẽ làm rõ hiệu quả đầu tư, có thẩm định Nhà nước tốt nhất để trình Quốc hội, còn quyết định đầu tư hay không là do Quốc hội", Thứ trưởng Đông nói. 

Ý kiến trái chiều việc khởi động lại dự án đường sắt cao tốc tỷ đô

Tàu cao tốc ở Châu Âu

Phát biểu tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội tuần trước, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trước 2020. Đoạn Sài Gòn - Long Thành được chọn thí điểm để vận hành khai thác, đào tạo chuyển giao công nghệ, sau đó làm tiếp các đoạn ưu tiên như Hà Nội - Vinh. Sau năm 2030, tuyến sẽ kéo dài tiếp Hà Nội - Đà Nẵng và Sài Gòn - Đà Nẵng.

Ông Đoàn Duy Hoạch, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, nhìn nhận do hạn chế hạ tầng nên vận tải đường sắt hiện chưa đáp ứng nhu cầu hành khách. Trên tuyến còn 300 cầu yếu, nên tải trọng và tốc độ tàu bị hạn chế (tàu khách dưới 80 km/h, tàu hàng 50 km/h). "Đường sắt có ưu điểm chở được khối lượng lớn, chặng xa, độ an toàn cao, song để đáp ứng nhu cầu người dân thì phải tăng tốc độ chạy tàu khách trên 100 km/h, có đường sắt cao tốc Bắc Nam là rất lý tưởng", ông Hoạch nói.

Cũng ủng hộ nghiên cứu dự án tiền khả thi tàu cao tốc Bắc Nam, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, cho rằng một đất nước có địa lý kéo dài mà trông cậy vào đường bộ thì không hợp lý (vận tải đường bộ hiện chiếm hơn 60% cơ cấu vận tải). Trong tương lai, khi đất nước phát triển, hành khách sẽ bỏ thói quen đi xe khách, chỉ đi xe quãng ngắn dưới 300km do tính an toàn không cao.

Ý kiến trái chiều việc khởi động lại dự án đường sắt cao tốc tỷ đô

Tàu cao tốc Shinkansen ở Nhật Bản. Ảnh: Japantimes

"Đáng lẽ nước ta phải xây dựng đường sắt cao tốc cách đây cả chục năm, giờ mới tính đến là chậm, song chậm còn hơn không. Hiện tất cả đè nặng lên đường bộ, khi bị ùn tắc thì cuống lên", ông Thanh nói.

Từng phản bác dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam tại Quốc hội khóa 12, cựu đại biểu Nguyễn Minh Thuyết vẫn cho rằng không nên tiếp tục nghiên cứu dự án đường sắt cao tốc vào thời điểm này. Ông cho rằng, đường sắt cao tốc sẽ không hấp dẫn nhiều người sử dụng vì có giá vé cao tương đương vé máy bay, hành khách lại không được mang nhiều hành lý… 

Theo ông Thuyết, hiện ngân sách nhà nước còn khó khăn hơn trước đây, nếu thực hiện dự án đường sắt cao tốc với tổng vốn đầu tư nhiều tỷ USD, phần lớn vốn đi vay sẽ tạo gánh nặng cho đất nước. 

“Quốc hội phải hết sức thận trọng khi bàn thảo Luật đường sắt nếu đưa dự án đường sắt cao tốc vào Luật”, GS Nguyễn Minh Thuyết nói và cho rằng thay vì đầu tư đường sắt cao tốc, Chính phủ cần đầu tư nâng cấp và mở rộng tuyến đường sắt hiện tại thành 2 chiều để tăng năng lực vận chuyển. 

Năm 2010, Quốc hội từng bác dự án đường sắt cao tốc trị giá 56 tỷ USD do Chính phủ trình. Bên cạnh những ý kiến cho rằng cần thiết phải vay vốn đầu tư làm ngay, nhiều ý phản đối vì hiệu quả kinh tế của dự án quá thấp, số vốn quá lớn, chiếm phân nửa GDP của Việt Nam, sẽ tạo gánh nặng nợ cho hậu thế.

Gần đây, Chính phủ đã đưa quy định đường sắt tốc độ cao vào nội dung điều chỉnh của Luật Đường sắt (sửa đổi), nhằm hướng tới tương lai phát triển đường sắt của Việt Nam.

Đoàn Loan - vnexpress.net


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN