Người Việt Odessa
Tin trong nước

Chủ tịch Quốc hội: Luật có khắc phục được Việt Nam sẽ thành bãi rác công nghệ?

Thứ ba, 13/09/2016 | 05:48
Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 3, sáng nay (13/9), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi).

Trình bày tờ trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho biết, Luật Chuyển giao công nghệ được Quốc hội khoá XI thông qua tại kỳ họp thứ 10 năm 2006.  

Trong gần 10 năm triển khai thực hiện, Luật đã góp phần thúc đẩy hoạt động đổi mới và chuyển giao công nghệ trong nước, ứng dụng các thành tựu tiến bộ khoa học và công nghệ trong sản xuất và đời sống, từng bước giúp cải thiện năng lực công nghệ của doanh nghiệp và nền kinh tế, nâng cao tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.

Tuy nhiên, đến nay bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, khu vực và thế giới đã có nhiều thay đổi buộc chúng ta phải rà soát nội dung của Luật để có điều chỉnh phù hợp, đáp ứng được các yêu cầu phát sinh từ thực tiễn.

Hơn nữa, xu thế toàn cầu hoá, tự do hoá thương mại, xoá bỏ các hàng rào bảo hộ giữa các quốc gia và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với các công nghệ thế hệ mới là hai nhân tố mới sẽ tác động mạnh mẽ tới các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, mở ra cơ hội và thách thức rất lớn đối với các doanh nghiệp và cơ quan quản lý, hoạch định chính sách về chuyển giao công nghệ….

Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, để có thể nắm bắt cơ hội, vượt qua được thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp hiện đại và hội nhập toàn cầu phục vụ tăng trưởng kinh tế bền vững, Việt Nam cần chủ động chuẩn bị các giải pháp ứng phó, trong đó cần chú trọng nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam.

“Việc sửa đổi Luật chuyển giao công nghệ cần hướng tới mục đích cuối cùng là tạo môi trường thuận lợi nhất cho hoạt động chuyển giao công nghệ trong nước và từ nước ngoài vào Việt Nam để cải thiện trình độ công nghệ quốc gia và năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp; từ đó giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả của sản phẩm, dịch vụ; duy trì và phát huy lợi thế cạnh tranh để trụ vững trên thị trường nội địa, vươn tới thị trường khu vực và quốc tế”, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nói.

Chủ tịch Quốc hội: Luật có khắc phục được Việt Nam sẽ thành bãi rác công nghệ?
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (bên phải)

Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, trên cơ sở tổng kết, đánh giá thực trạng chuyển giao công nghệ trong 10 năm qua cùng với những phân tích tác động của Luật Chuyển giao công nghệ đến việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, Ban soạn thảo tập trung sửa đổi và đưa vào dự thảo Luật  Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) một số nội dung mới như: 

- Quy định việc đưa kết quả nghiên cứu và phát triển công nghệ, công nghệ, đối tượng sở hữu trí tuệ có thể xác định được giá trị làm tài sản bảo đảm trong giao dịch vay vốn đầu tư cho các dự án khoa học và công nghệ, khởi nghiệp công nghệ, phát triển sản xuất kinh doanh (điểm 3 khoản 8 Điều 1 của dự thảo Luật). 

- Quy định việc thành lập các Trung tâm ứng dụng và đổi mới công nghệ theo các vùng kinh tế trên cơ sở nâng cấp các trung tâm có chức năng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong các hoạt động chế tạo, thử nghiệm, hoàn thiện và làm chủ công nghệ (điểm 1 khoản 13 Điều 1 của dự thảo Luật).

- Cơ chế phối hợp giữa Bộ Khoa học và Công nghệ với một số cơ quan có liên quan trong việc chống chuyển giá trong hoạt động chuyển giao công nghệ được bổ sung theo hướng quy định về kiểm toán giá công nghệ đối với chuyển giao công nghệ giữa công ty mẹ - công ty con hoặc giữa các bên có quan hệ liên kết, tổ chức điều tra, thu thập thông tin về chuyển giao công nghệ, đổi mới công nghệ phục vụ cho quản lý nhà nước đối với hoạt động chuyển giao công nghệ (khoản 5 Điều 1 của dự thảo Luật)....

Thảo luận về dự án luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đánh giá, tờ trình được chuẩn bị đầy đủ, chặt chẽ. Tuy nhiên, thông qua công tác kiểm tra của Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường cho thấy có mấy vấn đề: 

Thứ nhất, qua thẩm tra, đa số ý kiến thấy rằng phải rà soát lại và đổi tên thành Luật Chuyển giao công nghệ.

Ngay trong báo cáo thẩm tra của Bộ Tư pháp cũng đề nghị sửa đổi, bổ sung toàn diện Luật Chuyển giao Công nghệ năm 2006. Do đó, việc này, Chính phủ cần phải xem xét lại. Vì như vậy, ý kiến thẩm tra và ý kiến Ban soạn thảo chưa thống nhất với nhau, nếu đưa ra Quốc hội sẽ rất khó khăn.

Đề cập đến nội dung của dự thảo Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, Điều 45 về thành lập các trung tâm ứng dụng và đổi mới công nghệ, có 2 ý kiến. Có ý kiến cho rằng không nhất thiết phải thành lập vì phát sinh biên chế, bộ máy nhà nước. Ý kiến thứ 2 đồng tình với đề xuất.

“Theo tôi các đồng chí nên nghiên cứu ý kiến thứ nhất xem có nhất thiết phải có nhiều trung tâm như thế không, địa phương nào cũng có trung tâm? Đặt nhiều trung tâm ở địa phương chắc chắn hiệu quả sẽ thấp. Do đó, nên thiết kế lại điều 45 với tinh thần không nên thành lập nhiều trung tâm ở các địa phương”, ông  Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh.

Cho ý kiến tham gia thảo luận về dự án Luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhất trí với tên gọi là Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi). Tuy nhiên, phạm vi sửa đổi, bổ sung thì cần bao quát, toàn diện hơn, cần kế thừa những quy định còn nguyên giá trị của luật hiện hành, đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập qua tổng kết 10 năm thực hiện Luật hiên hành và phải phù hợp với tình hình mới, phù hợp nhiệm vụ yêu cầu của đất nước hiện nay so với 10 năm trước.

Theo Chủ tịch Quốc hội, đối với nội dung Nghị quyết số 20-NQ/TW, Hội nghị lần thứ 6 BCHTW ngày 31/10/2012 là “có cơ chế thúc đẩy đổi mới công nghệ theo hướng ứng dụng công nghệ mới, công nghệ hiện đại; hỗ trợ nhập khẩu công nghệ nguồn, công nghệ cao, mua thiết kế, thuê chuyên gia trong nước và nước ngoài thuộc các lĩnh vực ưu tiên, doanh nghiệp mua công nghệ từ các viện nghiên cứu, trường đại học trong nước... Chấm dứt và ngăn chặn có hiệu quả việc nhập khẩu công nghệ lạc hậu, công nghệ gây nguy hại đến sức khỏe con người, tài nguyên, môi trường, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh”, rất hoan nghênh Ban soạn thảo trong sửa đổi luật này đưa ra những quy định về vai trò quản lý nhà nước, kiểm soát công nghệ.

“Qua Formosa chúng ta mới thấy rằng vai trò của công nghệ, vậy thì việc kiểm soát công nghệ khi nhập vào đây được sửa đổi trong các dây chuyền sản xuất của ta thì như thế nào? Đó là yêu cầu phải cụ thể hóa các nội dung mà Nghị quyết 20 đã quy định và phải khắc phục cho được câu hỏi: Luật này rồi có khắc phục được Việt Nam đang và sẽ trở thành bãi rác công nghệ hay là có giải quyết được vấn đề kiểm soát công nghệ và vai trò của cơ quan quản lý nhà nước? Đó là những vấn đề tôi thấy cần phải chuẩn bị thêm hay là các biện pháp khuyến khích chuyển giao đổi mới nghiên cứu thì cơ chế gì cần cụ thể hóa ra đây”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói.

Theo infonet.vn


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN