- Tốc độ tăng phương tiện cá nhân ở Hà Nội hiện nay như thế nào?
- Hiện mỗi km đường tại Hà Nội có trên 2.500 xe máy, gần 200 ôtô con. Tính trung bình khoảng 20 người sở hữu một ôtô con và 1,5 người một xe máy. Mỗi năm tốc độ tăng trưởng ôtô con mỗi năm là 13% và có xu thế ngày càng cao; xe máy tăng khoảng 7% năm và xu thế tăng chậm dần.
Ở Hà Nội, mỗi chuyến đi 6 km vào giờ cao điểm mất khoảng 20-30 phút; nếu không có tác động quản lý xe cá nhân thì đến năm 2020 để đi 6 km sẽ mất khoảng 30-40 phút, đến 2025 là 40-55 phút. Như vậy, nếu không có sự can thiệp và điều tiết thì trong tương lai gần ùn tắc giao thông sẽ trở nên cực kỳ nghiêm trọng.
Việc giảm xe máy, ôtô cá nhân hiện nay khó thực hiện đồng loạt vì chưa có phương án thay thế phương tiện đi lại cho người dân. Tuy nhiên vẫn có thể triển khai một số biện pháp thí điểm hạn chế xe cá nhân khu vực trung tâm; phân luồng cho xe máy, xe con, taxi và xe tải; siết chặt quản lý đỗ xe trên phố... trong khi chờ tăng cường các phương tiện vận tải công cộng.
- Ý kiến của bà về Đề án quản lý phương tiện cá nhân Hà Nội đang xây dựng?
- Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội” là bước đi đầu tiên của thành phố hướng đến đối tượng xe cơ giới cá nhân. Tôi đánh giá cao tính kịp thời của Đề án này. Các giải pháp đề xuất trong Đề án tương đối bao trùm và chia thành các giai đoạn triển khai theo các nhóm phù hợp, tuy nhiên các giải pháp mới mang tính chủ trương và thành phố sẽ cần xây dựng các phương án triển khai cụ thể hơn.
Trong Đề án đặt ra mục tiêu cho vận tải hành khách công cộng: năm 2020 đáp ứng 25%; năm 2025 đáp ứng 32%. Trong khi hiện mới đạt dưới 10% và sản lượng buýt đang sụt giảm, bên cạnh đó các dự án vận tải công cộng khối lượng lớn chậm tiến độ...
TS Đinh Thị Thanh Bình. Ảnh: NVCC |
- Mới đây Bộ trưởng Giao thông Trương Quang Nghĩa dẫn phân tích của các chuyên gia cho biết, đến năm 2025 chưa thế cấm được xe máy tại Hà Nội do thiếu phương tiện công cộng. Bà nghĩ sao về đánh giá này?
- Nếu tiến độ thực hiện các dự án vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn theo đúng kế hoạch, đến năm 2025 Hà Nội hoàn toàn có thể hạn chế xe máy ở một số trục chính, khu trung tâm.
Để hoàn thành một tuyến vận tải công cộng khối lượng lớn mất khoảng 10 năm. Nếu đúng kế hoạch thì đến năm 2020 TP Hà Nội sẽ có tuyến đường sắt đô thị số 2A (Cát Linh - Hà Đông), số 3 (Nhổn - ga Hà Nội) và 1-2 tuyến BRT. Đến 2025 sẽ kỳ vọng có thêm tuyến số 1 (Yên Viên – Ngọc Hồi); tuyến số 2 (Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo), tuyến số 5 (Hồ Tây – Láng Hòa Lạc). Còn lại vẫn do xe buýt chủ đạo.
Như vậy đến 2025, nếu ưu tiên nguồn lực và đảm bảo tiến độ các dự án đường sắt đô thị thì các hành lang quan trọng như bắc – nam, phía tây, tây nam, sân bay, trung tâm đều có vận tải khách khối lượng lớn, đáp ứng được một phần lớn nhu cầu đi lại.
Cùng với đó, Hà Nội cần tiến hành các biện pháp quản lý nhu cầu giao thông để thay đổi tính chất nhu cầu (bố trí lệch giờ học, giờ làm, sử dụng chung xe, tổ chức xe buýt đưa đón học sinh phổ thông và nhân viên …), đi kèm với hạn chế phương tiện cá nhân có lộ trình. Tóm lại, đến năm 2025 cấm hoàn toàn xe máy là khó nhưng hạn chế theo hành lang, theo giờ, theo khu vực là khả thi và bắt buộc phải thực hiện nếu không muốn mọi hoạt động giao thông ngưng trệ.
- Bà có gợi ý gì cho nỗ lực hạn chế phương tiện cá nhân của Hà Nội?
- Ngay từ bây giờ phải triển khai các giải pháp hạn chế chứ không để đến 2025. Giai đoạn này chỉ có thể hạn chế quy mô nhỏ (khu vực trung tâm, theo hành lang, theo giờ) mang tính thí điểm, để người dân quen dần và chuyển sang phương thức công cộng. Lúc này công tác tổ chức phân luồng giao thông, kiểm soát giao thông rất quan trọng để đảm bảo thông thoáng các hành lang chính cho xe buýt và ôtô lưu thông; xe máy có thể cho chạy đường vòng tránh để tận dụng được các đường nhỏ hẹp.
Hà Nội ùn tắc do phương tiện cá nhân tăng mạnh. Ảnh: Bá Đô. |
Bên cạnh xe buýt thì phát triển phương tiện đưa đón học sinh phổ thông đặc biệt là bậc tiểu học; tăng cường xe đưa đón nhân viên của các cơ quan.
Hà Nội với đặc thù đường ngõ ngách nhỏ, nên tăng cường kết nối với các tuyến vận tải công cộng bằng các phương tiện linh hoạt, cơ động như phát triển dịch vụ thuê xe đạp, bố trí các bãi gửi xe đạp xe máy gần các ga và điểm dừng đỗ đặc biệt cho các khu dân cư xa hoặc không thể tiếp cận đường trục bằng xe buýt.
Cần siết chặt quản lý sử dụng lòng đường hè phố vừa để thông thoáng, vừa góp phần hạn chế sử dụng xe cá nhân. Ví dụ không cho đỗ xe máy, ôtô trên phố; thu phí cao tại các điểm trông giữ xe máy, ôtô.
Theo vnexpress.net