Ông Tạ Quang Ngải, Trưởng phòng Đào tạo bồi dưỡng, Sở Nội vụ Hà Nội cho biết đây là sự đãi ngộ của Hà Nội nhằm hút cử nhân tài năng, được thực hiện theo Nghị quyết số 14- HĐND TP năm 2013.
UBND TP Hà Nội "trải thảm đỏ" thu hút nhân tài. (Ảnh minh họa) |
Đã tuyển dụng được gần 300 tài năng trẻ
Ông Tạ Quang Ngải cho biết: “Thủ khoa xuất sắc, nếu có nguyện vọng về làm việc trong các cơ quan, đơn vị của TP sẽ được hưởng chính sách đãi ngộ theo Nghị quyết số 14. Cụ thể, thủ khoa sẽ được tiếp nhận hoặc xét đặc cách không qua thi tuyển; được hưởng hỗ trợ đãi ngộ thu hút một lần bằng 20 lần mức lương tối thiểu tại thời điểm được tuyển dụng, tiếp nhận; sau hai năm công tác kể từ thời điểm có quyết định tuyển dụng, được ưu tiên cử đi đào tạo sau đại học ở trong nước hoặc nước ngoài, được TP hỗ trợ kinh phí trích từ Quỹ Ưu đãi, khuyến khích và đào tạo tài năng trẻ của TP".
Theo đó, các thủ khoa này sẽ được hưởng tiền học phí, tiền tài liệu, tiền hỗ trợ hàng tháng đi học bằng 1,5 mức lương tối thiểu, hỗ trợ bảo vệ luận văn tốt nghiệp thạc sĩ (bằng 30 lần mức lương tối thiểu) và luận án tốt nghiệp tiến sĩ (bằng 80 lần mức lương tối thiểu).
Các em đào tạo sau đại học ở nước ngoài được hỗ trợ kinh phí đào tạo nếu TP có chương trình hợp tác cụ thể với nước ngoài hoặc được hỗ trợ hàng tháng thực học bằng 5 lần mức lương tối thiểu nếu đi học sau đại học không dùng ngân sách của TP.
Được biết, từ năm 2013 đến nay, có 19 thủ khoa xuất sắc đang làm việc tại các Sở, ban, ngành, quận, huyện và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND TP đủ tiêu chuẩn thụ hưởng chế độ đãi ngộ một lần theo NQ 14 – HĐND TP.
Đặc biệt, từ khi thực hiện chính sách thu hút tài năng trẻ đến nay, TP đã tuyển dụng được gần 300 tài năng trẻ vào làm việc tại các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố, trong đó có 147 thủ khoa (từ năm 2007 đến 2015: 43 thủ khoa xuất sắc được tuyển dụng vào các Sở, UBND quận, huyện, thị xã), 57 người có trình độ tiến sĩ và thạc sĩ, 27 văn nghệ sỹ và 37 VĐV xuất sắc đạt giải cao trong kỳ thi quốc gia và quốc tế.
Đã có trường hợp nhân tài "nói lời chia tay"
Theo quy định, thủ khoa xuất sắc được thành phố tuyên dương phải là sinh viên hệ chính quy, dài hạn, tập trung đạt danh hiệu thủ khoa cấp trường, có kết quả học tập cả khóa đạt loại giỏi, có điểm rèn luyện xuất sắc, có đóng góp tích cực trong công tác Đoàn, công tác Hội sinh viên và phong trào Thanh niên; đạt giải thưởng trong kỳ thi quốc gia, quốc tế hoặc giải thưởng sáng tạo công nghệ, giải sinh viên nghiên cứu khoa học cấp trường trở lên.
“TP rất chú trọng, coi trọng thu hút nhân tài. Theo đó, Thành phố đã có chính sách xét thẳng nhưng từ khi có Luật công chức viên chức, những em có nguyện vọng vào cơ quan hành chính sẽ qua sát hạch; còn vào đơn vị sự nghiệp muốn vào thì xét tuyển đặc cách. Đa số các em muốn vào đều được tuyển dụng”- ông Ngải nói.
Trả lời câu hỏi của báo giới “Hà Nội có trường hợp nào thủ khoa đã vào làm việc tại các cơ quan nhà nước thuộc Sở quản lý nhưng rồi nói “lời chia tay” chưa?”, ông Ngải cho biết: Thành phố đã phân cấp quản lý về các Sở, ban, ngành và quận huyện vì thế nếu các đơn vị này không báo cáo thì không nắm được.
Tuy nhiên, ông Ngải cũng cho biết, thời gian qua cũng có một em vào làm việc tại Quỹ Đầu tư, sau khi du học thạc sỹ về em này có nguyện vọng học tiến sỹ nhưng do nhu cầu công việc thì xin nghỉ và tự đi học. “Về nguyên tắc, trường hợp này phải đền bù khi được đi đào tạo, sử dụng ngân sách TP, quá trình phục vụ chưa đủ thời gian muốn chuyển ra ngoài hoặc xin nghỉ thì đền bù học phí có miễn trừ theo quy định chứ không có gì khắt khe”, ông Ngải bày tỏ.
Theo infonet.vn